(Ảnh minh họa).
Ngày 10/2, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ban hành Văn bản số 882/VPCP-KTTH yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan triển khai rà soát, sửa đổi hoàn thiện thể chế pháp luật về giá, trọng tâm là xây dựng Luật Giá (sửa đổi), tránh chồng chéo, mâu thuẫn. Phó Thủ tướng yêu cầu theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, giá cả các mặt hàng chiến lược để kịp thời ứng phó trong điều hành sản xuất trong nước, tạo điều kiện cho quản lý, điều hành giá nhằm kiểm soát lạm phát trong nước ngay từ những tháng đầu năm.
Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; phối hợp Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê rà soát, tính toán các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, nhất là hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, dịch vụ công thực hiện theo lộ trình thị trường. Việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý cần tận dụng các tháng có CPI tăng thấp để điều chỉnh nhằm hạn chế lạm phát kỳ vọng.
Phó Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ phối hợp chính sách tiền tệ linh hoạt để tạo sự hài hòa, hiệu quả, hợp lý với các chính sách kinh tế vĩ mô chung; qua đó hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, kiểm soát lạm phát cơ bản và tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.
Bộ Công thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân, ổn định của thị trường, cung cầu xăng dầu trong nước; nghiên cứu, xây dựng phương án giá điện năm 2022 trên cơ sở đánh giá kỹ các chi phí đầu vào (nhất là than, khí cho sản xuất điện), kế hoạch cung cấp và vận hành hệ thống điện quốc gia,...