Việc kiên quyết xử lý nghiêm những sai phạm trong hoạt động giao dịch chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp bất động sản sẽ góp phần “thanh lọc” thị trường, khôi phục và củng cố niềm tin của nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam. Ảnh: VGP/ Toàn Thắng
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khi trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ.
Phải bảo vệ lợi ích của những nhà đầu tư làm đúng
Theo phân tích của ông Nguyễn Văn Đính, việc phát triển các dự án bất động sản (BĐS) đòi hỏi huy động một nguồn vốn rất lớn nhưng quy định của pháp luật đối với tín dụng cho lĩnh vực này rất chặt chẽ.
Trong bối cảnh các ngân hàng hạn chế cấp tín dụng cho thị trường BĐS nhằm bảo đảm an ninh, an toàn tiền tệ và tránh rủi ro của thị trường vốn rất nhạy cảm này thì việc phát hành trái phiếu vẫn là kênh huy động vốn hiệu quả và là giải pháp "cứu cánh" của nhiều doanh nghiệp đầu tư và phát triển BĐS.
Đề cập đến việc huy động trái phiếu của các doanh nghiệp đầu tư, phát triển BĐS, đại diện Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, vẫn có nhiều doanh nghiệp huy động trái phiếu tạo vốn phát triển đúng mục tiêu, định hướng và những cam kết khi phát hành trái phiếu.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã không thực hiện đúng mục tiêu, định hướng và cam kết do còn có những "lỗ hổng" trong quy định của pháp luật về việc huy động và sử dụng vốn, kiểm soát các hoạt động sau khi huy động vốn còn chưa được chặt chẽ, thiếu hiệu quả.
Theo đó, những sai phạm trong hoạt động giao dịch chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp BĐS của một số doanh nghiệp lớn đã bị pháp luật xử lý nghiêm minh. Nhấn mạnh quan điểm của Hiệp hội BĐS Việt Nam, ông Đính cho rằng, việc các doanh nghiệp làm sai rõ ràng phải xử lý nghiêm minh nhưng chúng ta cũng cần phải rà soát lại các quy định của pháp luật một cách đồng bộ chặt chẽ để các doanh nghiệp "không thể làm sai, không dám làm sai", nhằm củng cố niềm tin cho thị trường và các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư thứ phát yên tâm và tiếp tục tham gia vào thị trường trái phiếu.
Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng kiến nghị phải xử lý nhanh gọn các sai phạm đúng người, đúng tội để "thanh lọc", ổn định thị trường tạo niềm tin cho thị trường và nhà đầu tư.
"Các doanh nghiệp đang tuân thủ đúng quy định của pháp luật về hoạt động giao dịch chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cần được Nhà nước bảo đảm quyền lợi, ngân hàng và các công ty chứng khoán phải công bố thông tin về việc huy động trái phiếu một cách công khai, rõ ràng, minh bạch. Đồng thời phải xem xét trách nhiệm đầy đủ của các bên khi có xảy ra sai phạm", ông Đính nhấn mạnh.
Về phía Hiệp hội BĐS Việt Nam, ông Đính cho biết sẽ lên tiếng thực hiện phản biện chính sách xã hội, đề nghị với Chính phủ hoàn chỉnh, điều chỉnh, bổ sung tạo hành lang pháp lý thông thoáng, chặt chẽ nhưng bảo đảm quyền lợi của các bên tham gia trên thị trường BĐS để thị trường phát triển một cách bền vững.
Hiệp hội sẽ xây dựng bộ quy tắc ứng xử đạo đức nghề nghiệp trong ngành kinh doanh BĐS để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân lấy thị trường, người tiêu dùng làm trung tâm, mục tiêu hướng tới đồng thời xây dựng ý thức, trách nhiệm bảo vệ thị trường BĐS có tính ổn định, minh bạch và bền vững.
Cùng với đó, Hiệp hội BĐS Việt Nam sẽ khuyến khích, vinh doanh, đề xuất khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân làm đúng có đóng góp tích cực vào sự phát triển ổn định và bền vững của thị trường.
Kiên quyết đấu tranh, chỉ rõ, chấn chỉnh những vi phạm của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có hành vi sai phạm ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư, khách hàng, người tiêu dùng. Đồng thời phối hợp cùng với cơ quản quản lý Nhà nước trong hoạt động kiểm soát, giám sát các hoạt động của thị trường theo đúng quy định của pháp luật và định hướng phát triển.
Dự báo phát triển tích cực
Theo đại diện Hiệp hội BĐS Việt Nam, thị trường BĐS trong năm 2022 vẫn có xung lực và có những dấu hiệu hồi phục tốt sau đại dịch COVID-19. Đặc biệt là nhu cầu đầu tư, phát triển cùng với một loạt chính sách vừa được Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy phạm của pháp luật trong hoạt động kinh doanh phát triển BĐS.
"Chính sách bơm ra thị trường gói kích thích để đẩy mạnh hoạt động phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kỹ thuật, kết nối vùng là những động lực có tác dụng rất mạnh cho thị trường BĐS phát triển", ông Nguyễn Văn Đính khẳng định.
Từ các yếu tố này, đại diện Hiệp hội BĐS Việt Nam nhận định trong năm 2022, thị trường BĐS sẽ có phát triển tốt hơn. Những vấn đề nổi cộm của thị trường trong năm 2021 như các sai phạm các hành vi đầu cơ, đẩy giá, tạo bong bóng tại nhiều địa phương sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi một cách hiệu quả để thị trường phát triển lành mạnh và bền vững hơn.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, cùng với việc tháo gỡ các quy định của pháp luật, nhiều dự án vướng mắc sẽ được giải quyết đồng nghĩa với nguồn cung vào thị trường BĐS sẽ được cải thiện nhiều hơn và dần cân bằng với cầu (cân đối cung - cầu) từ đó mặt bằng giá cả sẽ ổn định hơn, đưa thị trường phát triển ổn định, bền vững.
"Năm 2022, các phân khúc như BĐS công nghiệp, BĐS du lịch nghỉ dưỡng là các phân khúc đang hút hoạt động đầu tư sẽ tiếp tục có tăng trưởng tốt và có dự báo phát triển tích cực hơn", ông Đính nói.
Đại diện Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng khuyến cáo các nhà đầu tư khi tham gia hoạt động của thị trường phải lấy quy định của pháp luật là kim chỉ nam hành động để tránh vi phạm tiếp tay, tạo ra sự hỗn loạn của thị trường.