Cây lúa mì tại cánh đồng lúa mì gần thành phố Nikolaev, miền nam Ukraine. (Ảnh: REUTERS)
Hãng tin Reuters dẫn lời 1 cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, nước này có thể không sản xuất đủ nông sản để xuất khẩu, nếu vụ mùa gieo trồng năm nay tiếp tục bị gián đoạn bởi chiến dịch quân sự đặc biệt do Nga tiến hành tại nước này.
Trong 1 cuộc phỏng vấn trên truyền hình ngày 19/3, cố vấn của Tổng thống Ukraine, ông Oleh Ustenko cho biết: “Ukraine có đủ lượng ngũ cốc và lương thực dự trữ trong 1 năm, nhưng nếu giao tranh tiếp diễn, chúng tôi sẽ không thể xuất khẩu ngũ cốc ra thế giới”.
Ông Ustenko cũng nhấn mạnh Ukraine đang là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ năm thế giới, và việc gián đoạn xuất khẩu sẽ “dẫn đến nhiều vấn đề”.
Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko cho biết, chiến dịch quân sự của Nga đã khiến 30% nền kinh tế Ukraine ngừng hoạt động, dẫn đến doanh thu sụt giảm.
“Khoản thu từ thuế không đủ để trang trải các nhu cầu của chúng tôi, do đó nguồn thu chính là đi vay,” ông Marchenko nói trong 1 cuộc phỏng vấn trên truyền hình.
Trước đó, Công ty tư vấn nông nghiệp APK-Inform có trụ sở tại Dnipro, Ukraine cho biết, diện tích gieo trồng vụ xuân năm 2022 của nước này có thể giảm 39% xuống còn 4,7 triệu ha do ảnh hưởng từ chiến dịch quân sự của Nga.
Ukraine là nhà sản xuất và xuất khẩu ngũ cốc và dầu thực vật hàng đầu thế giới, nhưng dự kiến sản lượng thu hoạch và xuất khẩu năm nay sẽ giảm do ảnh hưởng chiến sự.
Nước này đã thu hoạch kỷ lục 86 triệu tấn ngũ cốc vào năm 2021, cũng như gieo trồng 7,7 triệu ha ngũ cốc vụ xuân năm ngoái. Nhưng theo APK-Inform, sau khi quân đội Nga phát động chiến dịch quân sự trên lãnh thổ Ukraine, nhiều khu vực canh tác quan trọng đã không thể tiến hành gieo trồng.
Công ty tư vấn này cũng cho biết thêm, khoảng 2 triệu ha vụ đông lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen gieo cho vụ thu hoạch năm 2022 có thể bị hư hại hoặc không thể thu hoạch do chiến sự, đồng thời chỉ khoảng 5,5 triệu ha cây ngũ cốc vụ đông có thể cho thu hoạch, đồng nghĩa với thiệt hại 28% về sản lượng.
Nông dân Ukraine theo truyền thống bắt đầu công việc đồng áng vụ xuân vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3, nhưng mùa xuân lạnh giá năm nay đã trì hoãn đáng kể thời điểm này.
Trước đó, Ukraine đã đình chỉ xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp quan trọng như lúa mạch đen, yến mạch, kê, kiều mạch, muối, đường, thịt và gia súc, đồng thời siết giấy phép xuất khẩu đối với lúa mì, ngô và dầu hướng dương.
Trong khi đó, đại diện của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) bày tỏ lo ngại, các chuỗi cung ứng thực phẩm ở Ukraine "đang sụp đổ", trong khi nhiều cửa hàng tạp hóa và nhà kho đã cạn nguồn cung thực phẩm.
Ông Jakob Kern, điều phối viên khẩn cấp của WFP phụ trách vấn đề Ukraine bày tỏ lo ngại về tình hình ở các thành phố đang trong chiến sự như Mariupol, đồng thời cho biết nguồn cung cấp thực phẩm và nước sạch đang cạn kiệt và các đoàn xe chở hàng cứu trợ của WFP gặp khó khăn khi tiếp cận các địa điểm này.
Ông nói thêm, WFP đang đối mặt với 1 nhiệm vụ rất khó khăn để thay thế các chuỗi cung ứng thực phẩm bị gián đoạn ở Ukraine.
Chương trình viện trợ lương thực nhân đạo của Liên hợp quốc đã phân phối 12 nghìn tấn thực phẩm đến các thành phố đang diễn ra chiến sự ở Ukraine, tất cả đều có nguồn gốc từ trong nước. Hiện 8.000 tấn thực phẩm từ các nước láng giềng cũng đang sẵn sàng vào Ukraine, ông Kern cho biết.
Ngoài ra, do Ukraine là nhà sản xuất lúa mì và ngô chính của thế giới, WFP cũng sẽ nhập khẩu từ nước này để phục vụ hoạt động cứu trợ khẩn cấp mở rộng cho hơn 3 triệu người.
WFP thu mua gần một nửa nguồn cung lúa mì toàn cầu từ Ukraine, và theo ông Kern, chiến sự tại đây đã đẩy giá lương thực thế giới tăng mạnh.
Với giá lương thực toàn cầu đang ở mức cao kỷ lục, WFP cũng lo ngại về tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine đối với an ninh lương thực toàn cầu, đặc biệt là các điểm nóng về nạn đói như Yemen và Lebanon, vốn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nông sản của Ukraine.
Ông Kern cho biết thêm, cơ quan này đang phải chi trả thêm khoảng 71 triệu USD mỗi tháng trong năm nay do ảnh hưởng của cả lạm phát và cuộc khủng hoảng Ukraine, nhấn mạnh khoản chi phí bị đội lên này sẽ đủ cung cấp lương thực cho 4 triệu người.
Ông nói WFP đang thay đổi nhà cung cấp nhưng sẽ ảnh hưởng đến giá cả, bởi thu mua càng xa, giá cả sẽ càng đắt đỏ.