Vận hành hệ thống máy phân loại củ, quả tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất-thương mại Phong Thúy, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh MAI VĂN BẢO)
Nông nghiệp Việt Nam đang từng bước chuyển mình theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đòi hỏi sự đầu tư vô cùng lớn cả về tài chính, nhân lực và khoa học kỹ thuật. Bên cạnh các doanh nghiệp trong nước, nhiều năm qua, bà con kiều bào đã trở thành cầu nối đưa nông sản Việt vươn cao, vươn xa trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Để tăng dòng vốn đầu tư tài chính và công nghệ của bà con Việt kiều vào nông nghiệp nước nhà thời gian tới, tối 14/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lần đầu tổ chức Diễn đàn Kết nối doanh nghiệp kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp với sự tham gia của hơn 300 kiều bào và doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn.
Tình yêu to lớn với nông sản Việt
Công ty cổ phần Pacific Foods là doanh nghiệp đã có kinh nghiệm đưa nước mắm tiếp cận sàn giao dịch thương mại điện tử Amazon, cũng như xúc tiến đưa vải thiều sang châu Âu theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và xuất khẩu gạo ST25 sang Canada và Vương quốc Anh. Theo thống kê trong năm 2021, mỗi tháng, trung bình có 18.000 sản phẩm nước mắm được công ty bán ra thông qua Amazon. Trong đó nhóm khách hàng Mỹ và Canada, châu Âu chiếm tới 70%, khách hàng châu Á chiếm 30%. Giám đốc Pacific Foods Lê Bá Linh (Việt kiều Thái Lan) chia sẻ: “Chúng tôi có một tình yêu to lớn với nông nghiệp, nông sản Việt. Đưa sản phẩm Việt ra quốc tế, chúng tôi rất chú trọng phát triển chất lượng, và coi đây là một vinh dự, tự hào với mong muốn cho thế giới biết, nông sản Việt không hề thua kém so với thế giới”.
Là Việt kiều Israel, thời gian qua, bà Hồng Shurany đã đầu tư để phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Israel tại Việt Nam, cụ thể là tại các tỉnh Tây Nguyên. Bày tỏ về tiềm năng nông nghiệp Việt Nam, bà Hồng Shurany trăn trở: “Hai năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nông sản Việt Nam gặp rất nhiều vấn đề trong tiêu thụ nhưng cũng trong bối cảnh đó, nông sản, trái cây của Israel lại có giá hơn, xuất khẩu ra thế giới nhiều hơn. Bản thân tôi cũng đã đưa các chuyên gia nông nghiệp người Israel về Việt Nam. Họ đều cho rằng, với tiềm năng hiện có, Việt Nam phải là đất nước phát triển nông nghiệp mà tại sao đến nay vẫn chưa phát triển được mạnh mẽ. Hiện tôi đang đẩy mạnh đầu tư vào vùng Tây Nguyên với việc áp dụng khoa học công nghệ Israel và hy vọng góp phần phát triển nông nghiệp cho vùng đất này”.
Tây Nguyên đang là vùng đất được kiều bào lựa chọn đầu tư các sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao như: cà-phê, chè, bơ. (Ảnh ĐĂNG KHOA)
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc điều hành Meet More Coffee (Việt kiều Australia) cũng được mệnh danh là người “sống chết với nông sản Việt”. Chọn cà-phê là sản phẩm thế mạnh của công ty nhưng ông Luận phát triển theo hướng kết hợp giữa cà-phê nguyên chất và các loại trái cây, nông sản Việt Nam. Meet More Coffee hiện có 5 vị, gồm: khoai môn, bạc hà, nhàu, xoài, dừa. Trong tương lai, thương hiệu này hướng đến 63 vị đặc trưng cho các loại nông sản ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, như thanh long Bình Thuận, xoài Tiền Giang… Ông Nguyễn Ngọc Luận chia sẻ: Nông nghiệp Việt Nam có thế mạnh là những loại trái cây giàu chất dinh dưỡng, giàu các loại vitamin, bổ dưỡng và chỉ có ở Việt Nam, nhưng hiện nước ta còn hạn chế trong việc tận dụng để chế biến thành những loại nước uống hằng ngày để xuất khẩu, hoặc chế biến ra các loại thực phẩm chất lượng cao có thể thay thế được các sản phẩm nhập khẩu.
Đưa Việt Nam ra thế giới, mang thế giới về Việt Nam
Đồng tình với nhận định nông nghiệp Việt Nam còn nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng chưa phát huy được hết hiệu quả và giá trị, các kiều bào đều chung quan điểm cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào lĩnh vực khoa học công nghệ để tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm. Viện sĩ hàn lâm Viện Khoa học kỹ thuật điện Liên bang Nga Nguyễn Quốc Sỹ nhấn mạnh: Để đưa được sản phẩm Việt Nam ra thế giới, thì trước hết phải đưa được khoa học công nghệ thế giới vào Việt Nam. Cụ thể như dùng khí ion, dùng lò phản ứng plasma để làm bất hoạt vi-rút. Đây là công nghệ chống nấm mốc, nấm men, bào tử nấm... hiệu quả, nhờ đó tăng thời lượng bảo quản nông sản lên nhiều lần; đồng thời giúp sản phẩm đáp ứng tốt yêu cầu kiểm dịch động, thực vật của các quốc gia trên thế giới hiện nay. Công nghệ này chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ và sử dụng ở Việt Nam nếu có sự kết nối hiệu quả giữa kiều bào và các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, người dân trong nước.
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức, đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn Thăng Long (công ty chuyên kinh doanh thực phẩm, nhà hàng với 30 cửa hàng trên khắp nước Đức, Đông Âu) Võ Văn Long cho rằng: “Chúng ta nên xây dựng một cầu nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu thông qua doanh nghiệp ở Đức, vì đây là thị trường rất lớn, tiềm năng. Hàng hóa vào được Đức thì chắc chắn vào được các thị trường khác. Lợi thế khác nữa là hiện nay, trong bối cảnh dịch Covid-19, tại thị trường Đức, tất cả các mặt hàng nông sản đều tăng giá ít nhất 30%, đây là cơ hội để tăng mạnh hàng Việt Nam sang Đức. Theo đó, ngoài việc sản xuất đúng quy định, chất lượng, kỹ thuật và mẫu mã, doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu sang Đức theo quy trình ngắn nhất, tiết kiệm nhất thì nên kết hợp với Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức, và các doanh nghiệp của người Việt tại Đức. Đây là cầu nối, là điểm giao hàng, điểm có thể tiếp cận hiệu quả thị trường Đức. Chúng tôi đã nghiên cứu, người Đức hiện tiêu dùng hàng hóa của châu Á rất nhiều, nhưng lượng nông sản của chúng ta vào rất ít, phần lớn là hàng của Trung Quốc, Thái Lan và các nước khác”.
Hiện nay, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu đến 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhưng vẫn còn đó nhiều tiềm năng chưa được khai thác, nhiều cơ hội bị bỏ lỡ, nên việc kết nối với kiều bào nhằm tăng nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm... là một trong những điều kiện để nông nghiệp nước nhà hội nhập. “Tình yêu đất nước đơn giản lắm. Việc bà con kiều bào đem ý tưởng từ những nước tinh hoa, những nước đã có nền nông nghiệp hiện đại về Việt Nam, cho dù chỉ là một sáng kiến nhỏ, cũng thể hiện lòng yêu nước rồi. Chúng ta cần làm một điều gì đó mới mẻ, mạnh mẽ hơn; cần nhanh chóng tích hợp những ý kiến tâm huyết của cộng đồng kiều bào tại diễn đàn; đồng thời cần phải có những tư duy mới của những quốc gia có nền nông nghiệp hiện đại bằng việc kết hợp sự thay đổi trong nước với tâm huyết, khát vọng của bà con kiều bào”-những chia sẻ của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan như một lời cam kết cho những gắn kết bền chặt hơn, hiệu quả hơn với kiều bào trong sự nghiệp phát triển bền vững nền nông nghiệp nước nhà.