Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã có kế hoạch sẽ chạy 85% công suất từ ngày 15/3 và từ đầu tháng 4/2022 sẽ chạy đủ 100% công suất. Đồng thời, các thương nhân đầu mối tiếp tục có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu; công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và việc điều hành giá xăng dầu theo hướng bám sát diễn biến giá thị trường thế giới. Bộ Công Thương khẳng định, việc thiếu xăng dầu cục bộ sẽ sớm được giải quyết, cung - cầu xăng dầu cho thị trường trong nước cơ bản ổn định.
Tình trạng thiếu hụt xăng dầu sẽ được giải quyết ngay đầu tháng 3.
Liên quan đến việc xử lý dứt điểm tình trạng thiếu hụt xăng dầu trong những ngày qua, Bộ Công Thương cho biết, sang tháng 3/2022, mặc dù lượng cung xăng dầu cho thị trường từ nguồn trong nước vẫn thấp, tuy nhiên, tồn kho từ tháng 2 chuyển sang vẫn bảo đảm. Cùng với việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã có kế hoạch sẽ chạy 85% công suất từ ngày 15/3 và chạy đủ 100% công suất ngay đầu tháng 4/2022 cũng sẽ làm tăng thêm nguồn cung xăng dầu nội địa. Bên cạnh đó, các thương nhân đầu mối cũng sẽ tiếp tục chủ động kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước.
"Với tình hình cung ứng xăng dầu như trên cùng với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và việc điều hành giá xăng dầu theo hướng bám sát diễn biến giá thị trường thế giới, việc thiếu xăng dầu cục bộ sẽ sớm được giải quyết, cung–cầu xăng dầu cho thị trường trong nước cơ bản ổn định", Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này kiên quyết xử lý nghiêm các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình thương nhân (thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, đại lý bán lẻ) nếu có hành vi "găm hàng" không muốn bán ra, chờ tăng giá.
Cụ thể, ở cấp Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký thành lập 3 đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, trường hợp phát hiện sai phạm, xử lý theo quy định.
Ở cấp địa phương, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã ký công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tại các địa phương làm tốt công tác này, đồng thời phối hợp với các lực lượng như công an, hải quan, Ban Chỉ đạo 389 địa phương làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nâng cao trách nhiệm, chủ động tìm kiếm nguồn hàng cung cấp cho thị trường nội địa. Đồng thời, phải thực hiện đúng các quy định về dự trữ xăng dầu lưu thông, thực hiện nghiêm túc việc bán hàng theo thời gian đã đăng ký, không để xảy ra hiện tượng "găm hàng" hay hạn chế bán ra trong hệ thống, gây ảnh hưởng đến nguồn cung phục vụ cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân.
Mặt khác, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính luôn thực hiện việc điều hành giá xăng dầu tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, tính toán tới mục tiêu bình ổn giá xăng dầu, kiểm soát lạm phát. Công tác điều hành giá luôn được thực hiện bám sát diễn biến xăng dầu thế giới, đồng thời cân nhắc rất nhiều chiều, nhiều yếu tố nhằm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, bảo đảm mục tiêu quản lý Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tránh tạo ra tiền lệ, tránh để bản thân doanh nghiệp sử dụng sức ép đối với cơ quan điều hành để điều hành chỉ có lợi cho doanh nghiệp.
Về thời gian điều chỉnh giá xăng dầu, tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu đã sửa đổi, rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu từ 15 ngày/lần xuống 10 ngày/lần để bám sát hơn với giá thế giới. Với chu kỳ điều hành giá xăng dầu 10 ngày/lần, Liên Bộ Công Thương-Tài chính đã tính toán phù hợp với tập quán kinh doanh, chu kỳ hàng hóa của các doanh nghiệp, chu kỳ tính Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng như đủ thời gian để cho cơ quan quản lý nhà nước cập nhật dữ liệu.
Đáng chú ý, trong những giải pháp Bộ Công Thương đã và đang thực hiện có tính đến việc trong thời gian tới, nếu diễn biến giá xăng dầu quá cao, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp, tác động làm vô hiệu hoá một số công cụ, chính sách phục vụ cho vấn đề phục hồi tổng thể nền kinh tế sau đại dịch, trong bối cảnh công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu có hạn, Bộ Công Thương cho rằng cần sử dụng công cụ thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu trong nước.
Trước đó, ngày 22/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 160/CĐ-TTg về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chủ động, quyết liệt trong công tác điều hành cân đối cung cầu thị trường xăng dầu theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28/2/2022 theo đúng chỉ đạo tại văn bản số 486/VPCP-KTTH ngày 21/02/2022 của Văn phòng Chính phủ.
Bộ Công an tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến sản xuất, nhập khẩu, buôn bán và phân phối xăng dầu. Thanh tra Chính phủ bổ sung kế hoạch thanh tra năm 2022 việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu nhằm kịp thời phát hiện các sơ hở, bất cập trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, kiến nghị biện pháp xử lý theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam chủ động thực hiện các biện pháp, giải pháp theo thẩm quyền; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương thực hiện nhiệm vụ tại điểm 1 nêu trên.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, bảo đảm không bị gián đoạn; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cam kết thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, việc tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán xăng dầu...; trường hợp phát hiện có sai phạm, xử lý nghiêm theo quy định.