Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tin tưởng, Đảng bộ, chính quyền, người dân, doanh nghiệp TPHCM sẽ thực hiện thành công, trở thành địa phương đi đầu trong cả nước về phát triển kinh tế số. Kinh tế số sẽ là một động lực quan trọng phát triển kinh tế-xã hội của TPHCM, nhanh và bền vững. Qua đó góp phần quan trọng vào việc hiện thực hóa khát vọng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn bản về chủ trương, chính sách chủ động tham gia thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số. Ảnh: VGP/Trần Mạnh
Ngày 15/4, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã dự Diễn đàn kinh tế của TPHCM với chủ đề về kinh tế số động lực tăng trưởng và phát triển TPHCM trong tương lai.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số xác định "là xu thế tất yếu của thế giới, là đòi hỏi khách quan của sự phát triển. Chúng ta không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc".
Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn bản về chủ trương, chính sách chủ động tham gia thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra yêu cầu "Hoàn thiện thể chế để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Đẩy nhanh xây dựng khung chính sách, pháp luật đối với việc xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số".
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đề ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm tỷ lệ 20% GDP. Tỉ lệ này tiếp tục được khẳng định trong Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", ngoài ra, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Mới đây, ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đề ra các điểm đột phá và xác định thể chế, hạ tầng, nhân lực, người dân, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế số.
Ngày 31/12/2021 Bộ Kế hoạch và Đầu tư lần đầu tiên ban hành bộ chỉ số đo lường, đánh giá về kinh tế số với danh mục gồm 50 chỉ tiêu, chia thành 5 nhóm.
Có thể thấy rằng, phát triển kinh tế số là một nhiệm vụ được đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển quốc gia và những điều kiện để hình thành, phát triển kinh tế số đều đã được chuẩn bị tương đối đầy đủ, toàn diện.
Trải qua gần bốn thập kỷ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
Theo báo cáo "e-Conomy SEA 2021" do Tập đoàn Google, Bain (Mỹ) và Temasek (Singapore) phối hợp công bố, nền kinh tế internet của Việt Nam năm 2021 đạt giá trị 21 tỷ USD, đóng góp hơn 5% GDP của đất nước, cao gấp 7 lần năm 2015, và dự kiến đạt 57 tỷ USD năm 2025, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á (tốc độ tăng trưởng khoảng 29% một năm).
Theo Báo cáo "Tiềm năng kinh tế số Việt Nam" do hãng tư vấn Alpha Bêta phát hành tại Hội thảo "Tiềm năng kinh tế số Việt Nam" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Google tổ chức tháng 10/2021, nếu được tận dụng tối đa, công nghệ số có thể đem lại hơn 74 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030, tương đương 27% GDP của Việt Nam năm 2020.
Ảnh: VGP/Trần Mạnh
Theo Phó Thủ tướng, đạt được thành quả trên có sự đóng góp quan trọng của TPHCM. Phó Thủ tướng đánh giá cao tính nhạy bén, năng động của Đảng bộ, Chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân Thành phố trong việc tổ chức Diễn đàn với chủ đề kinh tế số ngày hôm nay, nhằm thu thập các ý kiến chuyên gia, các bài học tốt để triển khai và cụ thể hóa chủ trương, chiến lược và chính sách của Trung ương.
Trong 2 năm vừa qua, TPHCM là một trong những địa phương chịu tác động nặng nề nhất bởi làn sóng đại dịch COVID-19, kinh tế-xã hội và mọi mặt đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng đến quý I/2022, toàn thể bộ máy chính quyền, doanh nghiệp và người dân Thành phố đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đưa nền kinh tế phục hồi và từng bước phát triển nhanh hơn, sớm hơn dự kiến, đóng góp tích cực vào đà phục hồi chung của cả nước. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố (GRDP) quý I năm nay ước tăng 1,88% so với cùng kỳ, lần đầu đạt mức tăng trưởng dương sau quý III và IV năm ngoái bị giảm sâu. Tổng thu ngân sách Nhà nước thực hiện ước đạt hơn 121.000 tỷ đồng, tăng 9,41% so với cùng kỳ.
Chính trong đại dịch COVID-19, các hoạt động về thương mại điện tử, về chuyển đổi số, như giáo dục trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa được đẩy mạnh và tăng tốc đáng kể. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, việc thúc đẩy kinh tế số trong thời điểm đại dịch đã giúp các nước đứng vững trước tác động tiêu cực của thương mại toàn cầu, tạo điều kiện để các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và thương mại một cách sâu rộng hơn, tạo ra chuỗi giá trị mới. Tuy nhiên, chuyển đổi số và kinh tế số mới chỉ đang bắt đầu, tiềm năng ứng dụng và phát triển còn rất lớn, cần có định hướng và cách triển khai phù hợp để khai thác tốt tiềm năng này.
Về mục tiêu phát triển kinh tế số, TPHCM đã đặt ra các mục tiêu cao hơn cả nước. Đến năm 2025, kinh tế số đóng góp 25% và đến năm 2030 đóng góp 40%, trong khi mục tiêu tương ứng của cả nước là 20% và 30%.
Kinh tế số còn giúp tăng năng suất lao động, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp, góp phần quan trọng tái cấu trúc nền kinh tế và trước mắt giúp phục hồi nhanh về tăng trưởng. Thành công về chuyển đổi số và kinh tế số tại TPHCM sẽ góp phần quan trọng vào thành công trên cả nước, đồng thời khẳng định vai trò, vị thế đầu tàu của Thành phố về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ ở tầm quốc gia và khu vực.
Để thực hiện thành công các mục tiêu này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị lãnh đạo, doanh nghiệp, nhân dân TPHCM trong thời gian tới cần lưu ý thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất là, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, thu hút và khai thác tốt mọi nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, tức là nền kinh tế thực. Vì chỉ khi có nền kinh tế mạnh, hàng hóa dịch vụ dồi dào thì mới là nền tảng bền vững cho phát triển kinh tế số, kinh doanh trực tuyến hay các dịch vụ cao cấp khác. Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành cùng TPHCM trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, rà soát các bất cập về thể chế, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự để giải quyết các điểm nghẽn trong phát triển.
Thứ hai là, cần tăng cường hợp tác, trao đổi và học hỏi các quốc gia, các đối tác, bạn bè quốc tế. Trong Diễn đàn kinh tế số này, tôi hoan nghênh Thành phố đã mời được nhiều tổ chức quốc tế uy tín, nhiều quốc gia và địa phương nước bạn tham dự và chia sẻ. Tuy nhiên, cần học hỏi một cách nghiêm túc, bài bản và liên tục mới hấp thụ được các tinh hoa, các bài học quý báu của bạn bè quốc tế. Cũng lưu ý, việc vận dụng vào thực tế cần linh hoạt, đảm bảo tính đặc thù của Việt Nam và Thành phố, không máy móc, rập khuôn.
Thứ ba là, tích cực triển khai nhanh chóng và hiệu quả các chiến lược quốc gia về kinh tế số, xã hội số. Phương châm về thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số là "tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, cách làm thực tiễn, cụ thể". Tuyệt đối không thể triển khai theo kiểu phong trào, vì chắc chắn sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực, không hiệu quả. Muốn vậy cần có kế hoạch chi tiết, khả thi với các giải pháp đồng bộ, tạo cơ hội để các bên có liên quan tham gia vào chuyển đổi số, kinh tế số. Chính quyền phải là người dẫn dắt, khai phá, tạo điều kiện cho sự phát triển, thu hút doanh nghiệp, cá nhân tham gia trong một hệ sinh thái chung.
Thứ tư là, nâng cao nhận thức, trình độ và kỹ năng của nhân lực tham gia chuyển đổi số và kinh tế số. Chỉ khi nhận thức đúng, tức hiểu rõ và ủng hộ, doanh nghiệp mới dành thời gian, tiền bạc cho sự thay đổi có tính chất cách mạng này, khi đó việc mới thành công. Trong đó, sự chuyển biến nhận thức thực sự cần bắt đầu từ các cán bộ công chức trong bộ máy chính quyền.
Thứ năm là, chú trọng bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong các giải pháp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển nguồn nhân lực về an toàn, an ninh mạng. Đây là vấn đề hết sức trọng yếu.
Việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng là vấn đề cấp thiết; là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; cần phải thích ứng linh hoạt, hiệu quả với những diễn biến mới; bảo vệ an toàn, an ninh mạng phải kịp thời, hiệu quả; phải đáp ứng được quá trình chuyển đổi số.
Phó Thủ tướng tin tưởng, với tinh thần năng động sáng tạo, với tiềm lực vốn có của TPHCM, Đảng bộ, chính quyền, người dân, doanh nghiệp TPHCM sẽ thực hiện thành công, trở thành địa phương đi đầu trong cả nước về phát triển kinh tế số. Kinh tế số sẽ là một động lực quan trọng phát triển kinh tế-xã hội của TPHCM, nhanh và bền vững. Qua đó góp phần quan trọng vào việc hiện thực hóa khát vọng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.