Kể từ đầu tháng 3, nhiều địa phương ở Trung Quốc xuất hiện ổ dịch Covid-19 với số ca mắc lớn, tốc độ lây lan nhanh, khó kiểm soát. Nước này đang áp dụng nhiều biện pháp mạnh mẽ nhằm giảm đà lây nhiễm, tiến tới khống chế các ổ dịch theo chính sách “Zero Covid”.
Làn sóng Covid-19 nghiêm trọng
Theo thông tin từ Ủy ban Y tế và Sức khỏe quốc gia Trung Quốc, ngày 14/3, nước này ghi nhận tổng cộng 3.602 ca mắc Covid-19, trong đó ca nhiễm trong nước lên tới 3.507 ca; ngoài ra các địa phương còn báo cáo 1.768 trường hợp mắc Covid-19 không triệu chứng. Đây là mức cao kỷ lục về số ca mắc Covid-19 được ghi nhận trong ngày trong vòng hơn hai năm qua, chỉ sau đợt dịch đầu tiên bùng phát tại Vũ Hán.
Hiện nay, nhiều địa phương ở Trung Quốc đã xuất hiện các ổ dịch quy mô lớn, với tốc độ lây lan nhanh, như thành phố Cát Lâm (2.592 ca) và thành phố Trường Xuân (460 ca) đều ở tỉnh Cát Lâm; thành phố Thượng Hải (139 ca); thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông (64 ca); thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông (60 ca)… Thủ đô Bắc Kinh, nơi luôn áp dụng nhiều biện pháp chống dịch mở mức cao nhất, cũng ghi nhận hàng chục ca mắc ở nhiều quận, trong đó nhiều trường hợp là người trong cùng một gia đình.
Đáng chú ý, các địa phương xuất hiện ổ dịch đều là những thành phố lớn, có mật độ dân số cao, ở các địa phương miền bắc như Cát Lâm, thời tiết lạnh giá, nhiều nơi chìm trong băng tuyết, khiến công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh gặp nhiều khó khăn.
Theo đánh giá của ông Lôi Chính Long, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát dịch bệnh thuộc Ủy ban Y tế và Sức khỏe quốc gia Trung Quốc, kể từ đầu tháng 3 đến nay, các địa phương báo cáo hơn 10.000 ca mắc Covid-19 trong nước, dịch đã lây lan tới 27 trong tổng số 31 tỉnh, thành phố ở nước này, với đặc điểm là nhiều ổ dịch, phạm vi rộng và tần suất cao. Theo tình hình hiện nay, các ổ dịch ở Cát Lâm, Quảng Đông, Thượng Hải đang trong quá trình phát triển, tốc độ lây nhiễm sẽ còn rất nhanh.
Nhiều biện pháp mạnh
Các chuyên gia y tế Trung Quốc cho rằng, chính sách "phòng ngừa xâm nhập từ bên ngoài và bùng phát trở lại từ bên trong" và mục tiêu loại bỏ hoàn toàn Covid-19 (Zero Covid) trong phòng, chống dịch ở Trung Quốc vẫn hoàn toàn hiệu quả với làn sóng Omicron, nhưng biến thể này có khả năng tàng hình mạnh, lây lan nhanh, do vậy phải áp dụng các biện pháp sớm hơn, nhanh hơn, chặt chẽ và mạnh mẽ hơn trong quá trình ứng phó dịch bệnh.
Tại tỉnh Cát Lâm, ổ dịch lớn nhất Trung Quốc với hàng nghìn ca được ghi nhận mỗi ngày, thành phố Cát Lâm đã hoàn thành 6 đợt xét nghiệm toàn dân; các quận của thành phố Trường Xuân cũng triển khai 2-3 đợt xét nghiệm Covid-19, để phát hiện những trường hợp nhiễm trong cộng đồng. Chính quyền các địa phương này cũng đẩy nhanh việc xây dựng các bệnh viện dã chiến, cơ sở cách ly tập trung, bệnh viện hồi sức... các bệnh viện lớn đều tăng thêm hàng trăm giường bệnh phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19. Thành phố Cát Lâm đưa vào sử dụng 3 bệnh viện dã chiến và đang xây dựng bệnh viện dã chiến thứ 4; thành phố Trường Xuân xây dựng một bệnh viện dã chiến quy mô trên 1.500 giường bệnh chỉ trong 3 ngày, chuẩn bị đưa vào sử dụng.
Chính quyền thành phố Thâm Quyến ra thông báo yêu cầu người dân hoàn thành 3 lần xét nghiệm Covid-19 trong thời gian từ ngày 14 đến 20/3. Ngoài những người trực tiếp làm công tác phòng chống dịch bệnh, toàn bộ cán bộ, viên chức của thành phố làm việc tại nhà hoặc chuyển sang làm tình nguyện viên cho khu dân cư, tham gia công tác hỗ trợ phòng dịch. Thành phố có quy mô kinh tế lớn thứ 3 Trung Quốc cũng tạm dừng toàn bộ các hoạt động không thiết yếu, các tổ dân phố tiến hành quản lý khép kín, người dân không được phép ra khỏi nhà...
Từ ngày 14/3, thành phố Thượng Hải tạm dừng hoạt động các bến xe khách, các trường trung học và tiểu học triển khai dạy học trực tuyến. Chính quyền cũng khuyến khích doanh nghiệp cho người lao động làm việc tại nhà nếu điều kiện cho phép. Thành phố điều tiết nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm gấp 1,5 đến 2 lần ngày thường, để phục vụ nhu cầu người dân ở các khu dân cư đang bị phong tỏa.
Thành phố Bắc Kinh yêu cầu siết chặt các quy định phòng dịch, nhất là kiểm soát mã sức khỏe, mã lịch trình di chuyển, khuyến khích thực hiện “một tuyến đường, hai điểm đến” để hạn chế tiếp xúc; yêu cầu người ở các vùng có ca nhiễm trong nước, hoặc các địa phương biên giới không đến hoặc quay trở lại thành phố…
Tín hiệu mới trong tiếp cận Covid-19
Trước hình hình dịch bệnh lan nhanh, nhu cầu xét nghiệm Covid-19 tăng cao, Cơ quan điều phối phòng, chống dịch Covid-19 thuộc Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc mới đây ban hành Phương án ứng dụng xét nghiệm kháng nguyên đối với virus Covid-19, đề ra mô hình kiểm soát dịch bệnh "sàng lọc kháng nguyên và chẩn đoán axit nucleic" để đáp ứng yêu cầu phòng dịch trong tình hình mới, bổ sung thêm hình thức xét nghiệm kháng nguyên, bên cạnh phương thức xét nghiệm axit nucleic đã áp dụng lâu nay. Ủy ban Y tế và Sức khỏe quốc gia Trung Quốc cũng cho phép người dân được mua bộ kit test kháng nguyên qua các cửa hàng bán lẻ thuốc hoặc sàn thương mại điện tử để tự xét nghiệm.
So phương thức xét nghiệm axit nucleic, xét nghiệm kháng nguyên có đặc điểm là dễ thực hiện, thời gian cho kết quả nhanh hơn, giá thành cũng thấp hơn nhiều. Sau khi người dân và y tế cơ sở được tiến hành tự xét nghiệm, sẽ góp phần giảm gánh nặng và sức ép đối với các cơ sở y tế và lực lượng tuyến đầu chống dịch. Tính đến ngày 14/3, Cục Quản lý dược quốc gia Trung Quốc đã cấp phép cho 10 sản phẩm kit test kháng nguyên của các doanh nghiệp nước này được lưu hành trên thị trường.
Nhận định về tình hình hiện nay cũng như công tác phòng chống dịch thời gian tới, ông Trương Văn Hồng, chuyên gia truyền nhiễm thuộc Đại học Phúc Đán cho rằng, tỷ lệ tử vong do Covid-19 đã ở mức rất thấp, ở các quốc gia đạt được miễn dịch cộng đồng, tỷ lệ này còn thấp hơn cả bệnh cúm. Nhưng nếu để dịch lây lan trên diện rộng trong thời gian ngắn, cũng sẽ gây cạn kiệt nguồn lực y tế và cú sốc cho đời sống xã hội. Đối với làn sóng thứ 5 do biến thể Omicron gây ra, chính sách "Zero Covid" là hết sức cần thiết đối với mục tiêu kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh.
Cũng theo vị chuyên gia này, trong tương lai, cũng không nên áp dụng lâu dài giải pháp phong tỏa các thành phố xuất hiện ca bệnh và xét nghiệm toàn dân; phải tận dụng tốt cơ hội từ việc xử lý và khống chế làn sóng dịch này, để chuẩn bị giải pháp ứng phó hoàn thiện, thông minh và bền vững hơn, nhất là tiêm mũi thứ 3 cho người già, cung cấp dồi dào lượng thuốc uống và bộ kit test tại nhà với giá thành hợp lý, phương án phân cấp điều trị, quy trình cách ly tại nhà, nhất là chuẩn bị sẵn sàng về hệ thống y tế và nguồn lực cho những đợt bùng phát quy mô lớn hơn...