Cùng với Big data và Cloud, trí tuệ nhân tạo (AI) đang là công nghệ chủ đạo trong lĩnh vực công nghệ công thông tin hiện nay. Không nằm ngoài xu hướng này, Trung tâm Không gian mạng Viettel đã nghiên cứu và phát triển 3 nền tảng trọng tâm sử dụng AI, được đánh giá có nhiều tiềm năng ứng dụng hiệu quả trong các lĩnh vực của đời sống, xã hội.
3 nền tảng trọng tâm sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) của Viettel được đánh giá có nhiều tiềm năng ứng dụng hiệu quả trong các lĩnh vực của đời sống, xã hội.
Ông Đặng Đức Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Không gian mạng Viettel (VTCC) cho biết, 3 nền tảng này gồm: Trợ lý ảo Viettel Cyberbot, nền tảng thị giác máy tính Viettel Cybervision và nền tảng phân tích dữ liệu Viettel data Mining Platform.
Nền tảng trợ lý ảo Viettel Cyberbot kết hợp các công nghệ xử lý giọng nói với công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên cùng một lúc. Trong mỗi cuộc gọi giao tiếp với người dùng, hệ thống có thể xử lý đồng thời việc nhận dạng lời nói, phỏng đoán ý định của khách hàng, xử lý thông tin và trả lời khách hàng, tạo ra một giải pháp hoàn thiện có tính ứng dụng và linh hoạt cao theo tình huống thực.
Nền tảng này có khả năng thực hiện 100.000 cuộc gọi chỉ trong 30 phút, hàng triệu cuộc gọi trong 1 ngày. Nền tảng đã được ứng dụng tại nhiều doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xây dựng hệ thống tổng đài tự động thông qua tương tác với khách hàng bằng tin nhắn (Chatbot) hoặc bằng giọng nói (Callbot).
Đặc biệt, nền tảng trợ lý ảo Viettel Cyberbot đã phát huy hiệu quả trong triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19 tại nhiều địa phương như Hậu Giang, Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, như giải đáp câu hỏi về dịch COVID-19, nhắc nhở người dân cài đặt ứng dụng khai báo y tế…
Nền tảng thứ 2 là nền tảng Viettel Cybervision (ứng dụng Smart City), đã được triển khai tại 20 tỉnh, thành phố trong cả nước. Giải pháp ứng dụng công nghệ AI trong lĩnh vực thị giác máy tính để phân tích, xử lý tự động các tín hiệu gửi về từ camera, giúp giải quyết các bài toán quản lý giao thông, an ninh trật tự trong thành phố. Trong đó, Cybervision for Transportation có tính năng đếm lưu lượng phương tiện giao thông; kiểm soát các phương tiện ra vào thành phố trong thời gian chống dịch; phát hiện các lỗi vi phạm giao thông (vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, đi sai làn); xuất biên bản phạt nguội với các hình ảnh, video bằng chứng vi phạm; giám sát lấn chiếm vỉa hè, đỗ xe trái phép, đổ rác không đúng nơi quy định; thu phí khu vực đỗ xe công cộng…
Nền tảng thứ 3 là Viettel Data Mining Platform, đây là nền tảng khai thác dữ liệu chuyên sâu. Giải pháp đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội, các tổ chức về xử lý, lưu trữ và phân tích dữ liệu để khai phá tri thức; đưa ra các quyết định quản lý, điều hành; dự báo hay tối ưu.
Trong đó, Viettel Data Mining Platform có khả năng dự báo, phân tích rủi ro và phát hiện bất thường trong quản lý doanh nghiệp như: phát hiện gian lận tài chính, ngăn ngừa tai nạn lao động, tránh thất thoát tài sản vật tư, giảm thiểu hàng tồn kho…
Cùng với Big data và Cloud, AI đang là công nghệ chủ đạo trong lĩnh vực công nghệ công thông tin hiện nay. Theo nghiên cứu của Accenture, AI có khả năng thúc đẩy gấp đôi tốc độ phát triển kinh tế và tăng 40% năng suất lao động tại các nước phát triển cho đến năm 2035.
Theo dự báo của Tractica, trong giai đoạn 2018-2025, doanh thu phần mềm AI toàn cầu được dự báo sẽ tăng từ 10,1 tỷ USD năm 2018 lên 126 tỷ USD năm 2025. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm khoảng 43%. Dự báo đến năm 2025, doanh thu phần mềm AI có tỉ trọng cao trong các lĩnh vực: Tiêu dùng (10%), dịch vụ tài chính (10%), viễn thông (9%), công nghiệp ô tô (9%), bán lẻ (7%), dịch vụ doanh nghiệp (6%), quảng cáo (6%), chăm sóc sức khỏe (6%)…
Tại Việt Nam, cùng với xu thế chuyển đổi số, các sản phẩm sử dụng công nghệ AI cũng đã và đang được ứng dụng hiệu quả trong nhiều lĩnh vực như: Hành chính công, y tế, giao thông, tài chính ngân hàng…