Công ty cổ phần Bình Ðiền (Long An) tăng sản lượng sản xuất phân bón phục vụ nhu cầu của nhà nông.
Cùng đà phục hồi kinh tế trên cả nước, những tháng đầu năm 2022, các địa phương Vùng kinh tế trọng điểm phía nam tập trung thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp và đã đạt được một số kết quả tích cực. Ðây là tiền đề để các địa phương tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022 và những năm tiếp theo.
Trên cơ sở thực hiện các biện pháp "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", cộng đồng doanh nghiệp ở Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Ðồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An đã "bung ra", trở lại hoạt động mạnh mẽ sau thời gian dài phải thực hiện những biện pháp nghiêm ngặt để phòng, chống dịch bệnh.
Sản xuất, kinh doanh sôi động trở lại
Liên tục từ tháng 2 đến nay, mỗi ngày, sản lượng gạo của Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex tập kết tại các cảng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh để lên tàu xuất khẩu đạt khoảng 3.000 tấn. Sản lượng cà-phê xuất khẩu cũng đạt 1.500 tấn mỗi ngày. Phục vụ cho các đơn hàng xuất khẩu, các nhà máy chế biến nông sản của doanh nghiệp này đóng tại Bình Dương, Ðồng Nai và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước gần như hoạt động hết công suất.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex Ðỗ Hà Nam cho biết, trong ba tháng đầu năm, sản lượng gạo xuất khẩu của công ty tăng 156%, cà-phê tăng 115% so cùng kỳ, kéo theo doanh thu trong quý I/2022 tăng khoảng 20% (tương đương 13 nghìn tỷ đồng) so cùng kỳ năm 2021. Công ty đã vững vàng, từng bước vượt qua đại dịch, phục hồi và gia tăng sản lượng xuất khẩu, tạo uy tín với các đối tác nước ngoài; qua đó, giải quyết việc làm cho hàng nghìn người lao động, góp phần phục hồi kinh tế tại thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, hiện hầu hết các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán, bảo đảm tuân thủ các quy định phòng, chống dịch. Tại khu công nghệ cao, 100% doanh nghiệp đã trở lại hoạt động. Doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp đạt hơn 90%. Người lao động trở lại thành phố làm việc sau Tết đạt tỷ lệ cao, trong đó, các doanh nghiệp lớn đón 100% công nhân trở lại làm việc. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhận định, đến nay, kinh tế thành phố đã đạt mức tăng trưởng dương, tín hiệu này cho thấy thành phố đang phục hồi nhanh, sớm hơn kỳ vọng. Kết quả này có được từ việc triển khai đồng bộ, kịp thời các chương trình, kế hoạch từ Trung ương đến địa phương; sự chủ động, sức bật, tinh thần tiến thủ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp...
Không khí sản xuất sôi động từ đầu tàu thành phố Hồ Chí Minh đã tác động lớn đến các địa phương lân cận. Tương tự, đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh Ðồng Nai đã khôi phục sản xuất 100% và tiếp tục đầu tư nhà xưởng, tuyển dụng thêm lao động để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trong quý I năm nay, Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial, Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (Ðồng Nai) liên tục tuyển dụng công nhân để đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất. Giám đốc hành chính Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial Ðinh Sỹ Phúc cho biết, doanh nghiệp đã tuyển dụng thêm hơn 2.000 lao động, nâng tổng số công nhân lên hơn 39 nghìn người. Hiện, công ty đã nhận được đơn đặt hàng từ các đối tác đến hết quý II, do đó, việc tuyển dụng lao động tiếp tục được thực hiện để đáp ứng được tiến độ giao hàng.
Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 29/3, Công ty cổ phần cảng Cái Mép Gemadept-Terminal Link phát thông báo: Cảng Gemalink (thị xã Phú Mỹ) chính thức cán mốc một triệu TEUs sau một năm hoạt động, xác lập kỷ lục mới trong ngành khai thác cảng Việt Nam. Phó Tổng Giám đốc Gemadept Phạm Quốc Long cho biết, hai tháng đầu năm, cảng đã tiếp nhận và lắp đặt thêm hai cẩu bờ siêu lớn, cùng kích cỡ với sáu cẩu bờ hiện hữu của cảng, có trọng lượng 1.700 tấn, sức nâng tối đa 85 tấn và tầm với có thể xếp dỡ đến 25 hàng công-ten-nơ trên tàu, đủ năng lực xếp dỡ các tàu loại siêu lớn trọng tải 214 nghìn DWT mà cảng đang tiếp nhận. Năm 2022, cảng Gemalink tiếp tục chuẩn bị các bước cuối cùng để khởi công giai đoạn 2, sẵn sàng đưa vào khai thác từ cuối năm 2023, thúc đẩy phát triển kinh tế biển của tỉnh cũng như khu vực phía nam.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cho biết, trong quý I/2022, nhiều chỉ tiêu kinh tế của tỉnh đạt kết quả khả quan. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 7,2%; thặng dư thương mại hơn ba tỷ USD; thu hút đầu tư nước ngoài ước gần 1,7 tỷ USD, bằng 425% và thu hút 15.800 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh trong nước, tăng 19% so cùng kỳ. Tỉnh đã khởi công Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore 3, triển khai thủ tục đầu tư Khu công nghiệp Cây Trường…
Sản xuất giày tại Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial, Khu công nghiệp Biên Hòa 2, tỉnh Ðồng Nai.
Bảo đảm sự phát triển liên tục, vững chắc
Những ngày cuối quý I, dịch bệnh trong nước và các địa phương Vùng kinh tế trọng điểm phía nam tiếp tục thuyên giảm, song nguy cơ vẫn luôn thường trực, nhất là đối với các biến thể mới. Bên cạnh đó, tình hình trên thế giới còn nhiều bất ổn, giá xăng, dầu, nguyên nhiên liệu đầu vào tăng..., chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người lao động.
Theo Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, thành phố rất cần nhận được sự quan tâm, tham gia, giúp sức, cùng hợp tác của các nhà đầu tư, tập đoàn, doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn cho rằng, để phục hồi kinh tế sau đại dịch, thành phố cần chú trọng phát triển thị trường chứng khoán, xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, thúc đẩy thị trường du lịch, khẩn trương chuyển đổi số đồng bộ và phát triển nền kinh tế số, phát triển hệ thống cảng biển để thuận lợi hơn trong vận chuyển hàng hóa. Tiếp tục khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân, thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tăng cường đầu tư cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo...
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, từ nay đến cuối năm 2022, tỉnh tiếp tục tập trung mọi nguồn lực cho hoạt động phòng, chống dịch; triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế; chủ động rà soát, hỗ trợ, tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ các vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp và người lao động để đẩy nhanh việc phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục xây dựng Ðề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh. Tiếp tục chủ động quảng bá, xúc tiến, mời gọi đầu tư từ nước ngoài…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ khẳng định, sự phục hồi mạnh mẽ của sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thời gian qua là động lực để tỉnh tiếp tục vươn lên hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch của quý II và cả năm 2022. Ðể duy trì tốc độ phát triển nhanh và bền vững, tỉnh sẽ chú trọng đẩy nhanh các dự án nghiên cứu thành lập khu mậu dịch tự do Cái Mép; thực hiện các nhiệm vụ về phát triển cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng; kêu gọi đầu tư Trung tâm logistics Cái Mép hạ; đôn đốc các doanh nghiệp, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông kết nối hệ thống cảng và khu công nghiệp của tỉnh…
Song song với công tác phòng, chống dịch bệnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ðồng Nai Cao Tiến Dũng kiến nghị Chính phủ ưu tiên thêm các cơ chế cho địa phương, đặc biệt là tăng chỉ tiêu đất phát triển khu công nghiệp để tạo điều kiện cho địa phương tăng tốc phát triển. Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Ðược khẳng định, trong năm 2022, Long An quyết tâm thực hiện cho bằng được việc cấp giấy chứng nhận đầu tư trong các khu công nghiệp trong vòng một ngày kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ. Tiếp tục trang bị cho công nhân cũng như nhân dân trong tỉnh có được "áo giáp" vững chắc phòng, chống dịch. Thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Trung ương đã quy định; tập trung huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ cho công nhân tốt nhất.
Năm 2022 là năm phục hồi kinh tế-xã hội sau tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Sự phục hồi, phát triển kinh tế của các địa phương Vùng kinh tế trọng điểm phía nam có ý nghĩa quan trọng, góp phần tạo động lực thúc đẩy sự phát triển chung của cả nước.