Nhà đầu tư theo dõi bảng giá thị trường chứng khoán.
Trong những tháng đầu năm 2022, nền kinh tế thế giới tiếp tục đà hồi phục khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Tuy nhiên, lạm phát có xu hướng tăng cao, rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng kéo dài, sự xuất hiện các biến chủng mới của vi-rút có thể khiến dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp..., đe dọa đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong điều kiện đó, những thông tin về thị trường chứng khoán thời gian qua đã khiến cho kênh huy động vốn quan trọng này có những phản ứng tiêu cực, cần có những động thái chung tay để duy trì ổn định, giữ vững đà phát triển của thị trường.
Bộ Tài chính cho biết, những tín hiệu về khả năng ngân hàng trung ương các nước áp dụng chính sách siết chặt tiền tệ và tình hình xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine dự báo sẽ tác động đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Tâm lý thận trọng hơn trước những bất ổn kinh tế có thể khiến dòng tiền chuyển hướng sang các tài sản ít rủi ro như vàng.
Bảo đảm sự phát triển ổn định, minh bạch
Trong những tháng đầu năm, nền kinh tế Việt Nam có nhiều khởi sắc. GDP quý I ước tăng 5,03% so cùng kỳ, cao hơn mức 4,72% của cùng kỳ năm 2021 và 3,66% cùng kỳ năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng trước khi xảy ra dịch Covid-19. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục hồi phục mạnh mẽ.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý I ước đạt 562,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so cùng kỳ, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam đạt mức cao nhất so với quý I của các năm từ 2018 đến nay, cho thấy tín hiệu tích cực trong việc huy động và sử dụng vốn đầu tư, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.
Thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý I nhìn chung vẫn phát triển ổn định, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho Chính phủ và cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, xu hướng chốt lời cùng với tác động của một số thông tin bất lợi trên thị trường bất động sản, chứng khoán và tình hình căng thẳng chính trị trên thế giới khiến thị trường trải qua một số phiên điều chỉnh sâu.
Nhằm bảo đảm thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển ổn định, minh bạch, trong năm 2022, Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai nhiều giải pháp quan trọng. Theo Thứ trưởng Tài chính, Nguyễn Đức Chi, việc tiếp tục tích cực hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 để định hình mục tiêu, giải pháp và lộ trình phát triển về dài hạn... đóng vai trò nền tảng quan trọng trong hoạt động quản lý, giám sát và kinh doanh chứng khoán.
Bên cạnh các giải pháp chuyên ngành khác, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động thị trường, tăng cường giám sát, rà soát, nhận diện các mã cổ phiếu có giao dịch bất thường; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ rà soát, phân loại, kiểm tra tại chỗ, xây dựng phương án đối với từng công ty để có biện pháp xử lý.
Đồng thời, tiếp tục phát triển và đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư nhằm cải thiện chất lượng cầu đầu tư, hướng tới cầu đầu tư bền vững. Trong đó, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh công tác cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo kế hoạch, thực hiện nghiêm các quy định về niêm yết, đăng ký giao dịch của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa.
Giảm rủi ro cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Bộ Tài chính cũng cho biết, trên thực tế, Luật Chứng khoán năm 2019, Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định theo hướng quản lý tách biệt giữa phát hành riêng lẻ với phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng. Theo đó, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chỉ được bán và giao dịch trong phạm vi nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo hình thức tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý không cấp phép phát hành.
Doanh nghiệp phát hành phải thực hiện công bố thông tin đầy đủ, trung thực cho nhà đầu tư, công bố thông tin cho Sở Giao dịch chứng khoán, đồng thời có trách nhiệm sử dụng vốn đúng mục đích, hoàn trả gốc và lãi trái phiếu đúng hạn. Các văn bản pháp luật cũng quy định rõ trách nhiệm của tổ chức tư vấn phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ trong việc cung cấp thông tin minh bạch và tuyệt đối tuân thủ quy định. Đối với phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng, được phép bán cho mọi đối tượng nhà đầu tư (bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân) nhưng phải tuân thủ quy định của pháp luật và phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép trước khi phát hành.
Sau một năm triển khai các quy định mới, căn cứ vào thực tế, Bộ Tài chính đã đánh giá, rà soát và xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung các quy định này theo hướng tăng cường tính công khai, minh bạch, hạn chế các rủi ro phát sinh nhằm mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững.
Đáng lưu ý, Bộ Tài chính đề xuất quy định rõ loại trái phiếu nhà đầu tư cá nhân được mua và giao dịch nhằm định hướng nhà đầu tư cá nhân mua các trái phiếu doanh nghiệp có tính an toàn và công khai, minh bạch hơn; bổ sung các quy định để đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở Giao dịch chứng khoán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và bổ sung quy định về trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ nhằm chấn chỉnh các tổ chức cung cấp dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp. Hiện nay, nghị định đang được hoàn thiện để gửi Bộ Tư pháp thẩm định trình Chính phủ ban hành.
Đồng thời, Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng thông tư giao dịch trái phiếu riêng lẻ, rà soát để sửa đổi một số quy định trong Luật Chứng khoán. Cùng với đó, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh. Trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu phát triển nóng, Bộ trưởng Tài chính liên tục chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc ngành tài chính tăng cường thanh tra, giám sát. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành ba quyết định xử phạt đối với hai doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu và một công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp.
Về công tác thông tin tuyên truyền, Bộ Tài chính khẳng định sẽ định kỳ tổ chức cung cấp thông tin trực tiếp, trực tuyến về chính sách pháp luật, chỉ đạo điều hành, hoạt động và kết quả hoạt động của lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, cũng như thị trường trái phiếu doanh nghiệp; chủ động tổ chức cung cấp thông tin không định kỳ kịp thời về vấn đề công chúng đầu tư và dư luận thị trường quan tâm.
Sự hỗ trợ của các cơ quan truyền thông trong khai thác và đăng tải về những yếu tố tác động tích cực và một phần cảnh báo rủi ro sẽ giúp tăng niềm tin của nhà đầu tư và sự ổn định vốn có của dòng vốn trên thị trường chứng khoán.