Sản phẩm NPK Phú Mỹ của PVFCCo trước khi đưa ra thị trường.
Giá phân bón trong nước thời gian qua liên tục tăng cao, so với cuối năm 2021, giá phân bón đã tăng hơn 20% và hiện ở mức cao nhất từ trước đến nay. Theo dự báo, nếu các lệnh hạn chế, cấm xuất khẩu một số mặt hàng phân bón chủ lực của Nga và Belarus không sớm được dỡ bỏ sẽ làm đứt gãy nguồn cung, tạo khan hiếm nguồn hàng trên thị trường.
Số liệu thống kê cho thấy, Nga là nhà cung cấp phân bón hàng đầu thế giới, chiếm tỷ trọng khoảng 30% tổng nhu cầu toàn cầu. Đặc biệt, Nga cung cấp khoảng 70% nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón tại châu Âu. Tuy nhiên, do tác động từ cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine đang khiến giá phân bón thế giới biến động mạnh.
Giá tăng phi mã
Giá phân bón thế giới tăng cao đã kéo theo hàng loạt các sản phẩm phân bón trong nước tăng theo như giá Urê Cà Mau, Urê Phú Mỹ tăng 200 đồng/kg, lên 18.000 đồng/kg; Urê Hà Bắc tăng 250 đồng/kg lên 16.000 đồng/kg. Phân DAP1 Đình Vũ có mức giá 18.800 đồng/kg, DAP2 Lào Cai 18.500 đồng/kg, phân NPK Phú Mỹ 16.000 đồng/kg, NPK Russian 16-16-16 giá 16.500 đồng/kg. So với tháng 2, giá phân bón hiện đã tăng từ 5 đến 8%. Đây là lần thứ 3 liên tiếp từ sau Tết Nguyên đán, giá các loại phân bón Urê, DAP, NPK, Kali,... đồng loạt tăng.
Liên quan tới tình hình biến động thị trường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) Nguyễn Phú Cường cho biết, giá phân bón trong nước phụ thuộc vào ba yếu tố chính đó là nguyên liệu đầu vào, thị trường và nguồn nhập khẩu. Do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao như giá khí, giá than để sản xuất đạm đều tăng cùng các nhiên liệu phụ khác như xăng dầu, chi phí vận chuyển đều tăng khiến giá trong nước bắt buộc phải điều chỉnh tăng theo.
Hiện, nguồn nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu từ Nga, Belarus, Trung Quốc,... khi xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra, cùng với ảnh hưởng dịch Covid-19 tại Trung Quốc đã dẫn đến nguy cơ đứt gãy nguồn cung, tác động đến việc nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước.
Đơn cử, muốn sản xuất DAP thì phải mua lưu huỳnh do trong nước chỉ sản xuất được một lượng rất nhỏ, đa phần phải nhập khẩu từ Nga và Trung Đông hay Kali nhập khẩu từ Nga và Belarus. Thế nhưng, do Nga và Belarus bị các nước phương Tây áp dụng lệnh cấm vận khiến hàng hóa không xuất khẩu được dẫn đến nguồn cung bị thiếu hụt, từ chỗ trước Tết giá lưu huỳnh chỉ có 340-350 USD/tấn nay tăng lên 420-430 USD/tấn.
Tương tự, than nhiệt chỉ ở mức 150 USD/tấn hồi đầu năm giờ đã tăng lên 420 - 430 USD/tấn; giá Kali trước kia chỉ từ 200-300 USD/tấn thì nay tăng lên hơn 1.000 USD/tấn,... điều đó đã gây áp lực, đẩy giá phân bón trong nước tăng theo.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinachem Nguyễn Phú Cường cũng cho biết, mặc dù giá nguyên liệu đầu vào và các loại nhiên liệu phụ khác tăng cao nhưng các đơn vị thành viên vẫn phải nhập nguyên liệu để duy trì hoạt động sản xuất.
Trong thời điểm nhu cầu thấp, các đơn vị vẫn phải tiến hành xuất khẩu sản phẩm chứ không thể để hàng lưu kho, không thu hồi được vốn. Sắp tới, thị trường trong nước vào thời kỳ cao điểm, Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã chủ động xây dựng các giải pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Chủ động nguồn hàng
Trước những diễn biến phức tạp trên thị trường, đặc biệt giá phân bón đang có dấu hiệu tiếp tục “leo thang”, nguy cơ đứt gãy nguồn cung ngày càng hiện hữu khiến người dân không khỏi lo lắng. Liên quan tới vấn đề này, lãnh đạo Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo - nhà sản xuất, kinh doanh phân bón Phú Mỹ) khẳng định, đơn vị đang duy trì hoạt động ổn định, bảo đảm đủ nguồn cung phân bón Phú Mỹ phục vụ nhu cầu thị trường.
Ngay từ năm 2021, PVFCCo đã chuẩn bị đủ nguyên liệu Kali, DAP cho sản xuất NPK của cả năm 2022 và nguồn hàng kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2022. Bên cạnh đó, dự phòng sẵn sàng các phương án thay thế trong trường hợp nguồn cung hoặc chuỗi logistics bị gián đoạn. Công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe cho người lao động được thực hiện nghiêm. Trong 2 tháng đầu năm, các nhà máy luôn vận hành vượt công suất, chất lượng sản phẩm tiếp tục được nâng cao, sản lượng sản xuất phân bón đạt gần 180 nghìn tấn, vượt kế hoạch và cùng kỳ năm ngoái.
Dự kiến trong quý I năm 2022 tổng sản lượng sản xuất Đạm Phú Mỹ và NPK Phú Mỹ sẽ đạt hơn 260 nghìn tấn. Công tác điều độ, tiêu thụ hàng hóa cũng được thực hiện tốt với sản lượng kinh doanh trong 2 tháng qua đạt gần 190 nghìn tấn phân bón và hóa chất các loại. Với năng lực kho vận tốt, PVFCCo bảo đảm lượng hàng sẵn sàng tại từng khu vực, phục vụ cho nhu cầu phân bón tăng cao từ tháng 3 trở đi, khi hầu hết các khu vực trong cả nước bước vào vụ chăm bón.
Nhằm đồng hành thiết thực cùng bà con trong bối cảnh giá phân bón nói chung vẫn ở mức cao, PVFCCo sẽ tăng cường các hoạt động tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng phân bón với cách làm đa dạng, ứng dụng công nghệ thông tin, hướng dẫn trực tuyến,... nhằm giúp bà con nông dân sử dụng hiệu quả, tiết kiệm vật tư.
Tương tự, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phân đạm và hóa chất Hà Bắc, Nguyễn Đức Ninh cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã duy trì hoạt động sản xuất liên tục đạt sản lượng quy đổi Urê 84.519 tấn, bằng 21% kế hoạch năm; doanh thu đạt 927 tỷ đồng, bằng 24% kế hoạch năm.
Nộp ngân sách 18,5 tỷ đồng, bằng 26% kế hoạch năm, tăng 3% so với thực hiện cùng kỳ năm 2021. Trong thời gian tới, công ty tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinachem Nguyễn Phú Cường khẳng định, các đơn vị sản xuất Urê đang duy trì hoạt động ở mức công suất lớn; hai nhà máy DAP1 và DAP2 cố gắng chạy cao tải nhằm bù đắp phần thiếu hụt trong khoảng thời gian qua do thiếu quặng phục vụ sản xuất.
Với tổng công suất của hai nhà máy Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình vào gần 1 triệu tấn/năm và hai nhà máy DAP1 và DAP2 nếu đủ quặng để duy trì hoạt động sẽ sản xuất được tổng cộng khoảng 600 nghìn tấn/năm cùng với hai nhà máy Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ của ngành dầu khí sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Cũng theo ông Nguyễn Phú Cường, dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ tới hoạt động của các đơn vị do thiếu nguồn nhân lực.
Ngành y tế cần có chính sách, hướng dẫn hợp lý đối với những trường hợp F0, F1 cùng điều chỉnh thời gian cách ly xuống mức hợp lý, không nên “bó cứng” phải nghỉ ở nhà ít nhất 7 ngày như hiện nay. “Nếu vậy, doanh nghiệp sẽ không có nguồn nhân lực để duy trì sản xuất. Thực tế, đơn vị có đơn hàng 35 nghìn tấn nhưng chỉ thực hiện được khoảng 20 nghìn tấn, số còn lại không thể thực hiện vì không có người”-ông Cường nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, để giảm nhiệt giá phân bón, Chính phủ cần áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngừng xuất khẩu các loại phân bón. Đồng thời, ngành nông nghiệp cần tiếp tục đưa ra những giải pháp thiết thực hơn, hướng dẫn nông dân tiết kiệm triệt để chi phí sản xuất, sử dụng phân bón theo đúng quy trình kỹ thuật cũng như tích cực chỉ đạo sản xuất các vụ lúa, màu hợp lý, tăng độ màu mỡ cho đất, nâng cao giá trị kinh tế. Các ngành chức năng và chính quyền cơ sở cần tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường, không để xảy ra tình trạng đầu cơ trục lợi, ép giá; ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.
Công nhân đóng gói sản phẩm phân bón tại Nhà máy DAP Lào Cai. (Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG)