Cả ba chỉ số cùng chạm đáy của phiên sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell phát tín hiệu rằng cần có thêm nhiều dữ liệu kinh tế trước khi Fed có thể thực sự thay đổi cái nhìn về lạm phát...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNBC.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (14/12), khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất và dự kiến tiếp tục tăng trong năm 2023 để chống lạm phát. Giá dầu thô tăng 2 USD/thùng sau khi có dự báo về sự phục hồi của nhu cầu tiêu thụ dầu trong năm sau.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones mất 142,29 điểm, tương đương giảm 0,42%, còn 33. 966,35 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,61%, còn 3.995,32 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,76%, còn 11.170,89 điểm.
Cả ba chỉ số cùng chạm đáy của phiên sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell phát tín hiệu rằng cần có thêm nhiều dữ liệu kinh tế trước khi Fed có thể thực sự thay đổi cái nhìn về lạm phát. Ở đáy phiên, Dow Jones mất tới hơn 400 điểm, sau khi lập đỉnh của phiên với mức tăng gần 300 điểm trước đó.
“Số liệu lạm phát tháng 10 và tháng 11 cho thấy một sự suy giảm được mong đợi của tốc độ tăng giá hàng hàng. Nhưng vẫn cần phải có thêm nhiều bằng chứng nữa để có thể tin chắc rằng lạm phát đang giảm xuống một cách bền vững”, ông Powell nói.
Kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày, Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm - một bước nhảy lãi suất không nằm ngoài dự báo. Trước khi giảm tốc về mức tăng này, Fed đã có 4 đợt nâng liên tiếp với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm.
Các quan chức trong Uỷ ban Thị trường mở (FOMC) - bộ phận hoạch định chính sách tiền tệ của Fed - cũng dự kiến rằng lãi suất cần được tiếp tục tăng trong năm 2023 và sẽ không được cắt giảm cho tới năm 2024. Fed dự kiến tăng lãi suất lên mức đỉnh 5,1% rồi mới dừng tăng. Mức lãi suất cực đại này cao hơn nhiều so với con số 4,6% mà Fed dự báo hồi tháng 9.
“Vấn đề lớn thể hiện quan điểm tiếp tục cứng rắn của Fed là ngân hàng trung ương này dự báo lãi suất cực đại ở mức 5,1%, thay vì mức dự báo 4,6% đưa ra hồi tháng 9”, nhà quản lý đầu tư Jim Caron của Morgan Stanley Investment Management nhận định với hãng tin CNBC. “Fed không hề đả động đến chuyện lạm phát đang bắt đầu giảm xuống. Họ hoàn toàn phớt lờ việc đó”.
Số liệu kinh tế công bố hôm thứ Ba tuần này cho thấy lạm phát tháng 11 tiếp tục giảm nhanh hơn dự báo, làm gia tăng kỳ vọng Fed sẽ dừng tăng lãi suất vào đầu năm 2023, thậm chí bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm tới.
“Có thể Fed đang sử dụng dự báo lãi suất rất cứng rắn của họ để đảo ngược những kỳ vọng nới lỏng đã xuất hiện trong mấy tháng gần đây. Các điều kiện tài chính trên thị trường đã nới lỏng vì những kỳ vọng như vậy, và đó là điều Fed không muốn chứng kiến cho tới khi họ thấy tỷ lệ thất nghiệp tăng lên”, chiến lược gia trưởng Rhys Williams của Spouting Rock Asset Management nhận định với hãng tin Reuters.
“Cuộc đua” tăng lãi suất để chống lạm phát của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu năm nay đang đẩy nền kinh tế thế giới tới bờ vực suy thoái, đồng thời gây áp lực lớn đối với giá các tài sản rủi ro như cổ phiếu. Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều đang tiến tới năm giảm đầu tiên kể từ năm 2018, với mức giảm phần trăm cả năm lớn nhất từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Nếu tính từ đầu năm, S&P 500 hiện đã giảm 16,7%; Dow Jones giảm gần 7,2%, và Nasdaq tụt 30% - theo dữ liệu từ TradingView.
Diễn biến chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ từ đầu năm tới nay - Nguồn: TradingView.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 2,02 USD/thùng, tương đương tăng 2,4%, chốt ở 82,7 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,94 USD/thùng, chốt ở 77,28 USD/thùng.
Dầu thô tăng giá sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ khởi sắc trong năm 2022. Trong đó, OPEC dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày trong năm 2023, đạt 101,8 triệu thùng/ngày, dẫn đầu là nhu cầu của Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
IEA cũng dự báo nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ hồi phục trong năm 2023 sau khi giảm 400.000 thùng/ngày trong năm 2022. IEA nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm lên 1,7 triệu thùng/ngày, đạt tổng 101,6 triệu thùng/ngày.
Dữ liệu từ Trụg Quốc cho thấy giao thông đường bộ và đường không ở nước này đã tăng mạnh sau khi chính sách Zero Covid được nới lỏng.
Tuần này, giá dầu còn được hỗ trợ bởi vụ rò rỉ và đóng cửa để sửa chữa của Keystone Pipeline - đường ống dẫn 620.000 thùng dầu mỗi ngày từ Canada sang Mỹ. Giới chức cho biết việc làm sạch vụ rò rỉ đường ống này sẽ phải mất tới vài tuần.
Nhưng bên cạnh đó, giá dầu cũng chịu áp lực giảm từ báo cáo hàng tuần từ Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ tăng hơn 10 triệu thùng trong tuần trước, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2021, do dầu được xả từ Dự trữ Chiến lược (SPR) và hoạt động giảm xuống của các nhà máy lọc dầu.
Diễn biến giá dầu thô Brent giao sau tại London từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: TradingView.
“Tình hình cung-cầu dầu của thế giới vẫn hỗ trợ mức giá dầu 3 con số… Biến động giá dầu gần đây mang lại cơ hội tốt để mua vào. Cán cân cung cầu có thể nới lỏng trong quý 1, nhưng đến quý 2, giá dầu sẽ phục hồi mạnh”, nhà phân tích Oswald Clint của Bernstein nhận định với Reuters.