Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)
Giá nông sản thế giới tăng vọt trong giai đoạn qua do ảnh hưởng từ căng thẳng giữa Nga và Ukraine không còn là điều xa lạ với thị trường hàng hóa. Tuy nhiên, việc các quốc gia sản xuất tiếp tục áp dụng các chính sách khiến xuất khẩu trở nên khó khăn hơn đang tạo thêm gánh nặng cho ngành chăn nuôi khi phải phụ thuộc vào nguyên liệu sản xuất thức ăn từ nước ngoài.
Theo Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), trong gần 3 tháng đầu năm, giá hợp đồng kỳ hạn đối với ngô đã tăng hơn 25%. Một mặt hàng khác không thể thiếu trong thành phần sản xuất thức ăn chăn nuôi là khô đậu tương (thành phẩm từ quá trình ép dầu hạt đậu tương) cũng chứng kiến mức tăng mạnh 16%. Tuy nhiên, sức ép đối với các doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam vẫn chưa dừng lại ở chi phí nguyên liệu.
Argentina thay đổi chính sách xuất khẩu
Argentina là quốc gia nằm trong top đầu về sản xuất ngô, đậu tương và cũng là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất sang Việt Nam. Những thay đổi trong chính sách xuất khẩu của quốc gia Nam Mỹ này ảnh hưởng rất lớn tới ngành chăn nuôi nước ta.
Chỉ cách đây 1 tuần, Argentina thông báo tạm dừng việc đăng ký xuất khẩu khô và dầu đậu tương. Theo cơ quan vận tải NABSA, tốc độ xuất khẩu trung bình hằng tháng của Argentina đạt 1,5 triệu tấn khô đậu tương và 300.000 tấn dầu đậu tương trong năm 2021. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo trong niên vụ 21/22, Argentina sẽ chiếm 41% xuất khẩu khô đậu tương và 48% xuất khẩu dầu đậu tương toàn cầu. Trong khi đó, mới chỉ có khoảng 5 triệu tấn khô và dầu đậu tương của niên vụ 21/22 đã được đăng ký xuất khẩu và sẽ không bị ảnh hưởng. Việc đăng ký xuất khẩu những đơn hàng mới bị tạm dừng ngay lập tức sau thông báo trên đã làm chao đảo thị trường đậu tương, đặc biệt là khi nông dân nước này đang chuẩn bị thu hoạch mùa vụ với sản lượng dự kiến sẽ đạt mức 40-42 triệu tấn.
Mới đây, Argentina đã cho phép việc xuất khẩu trở lại đối với khô và dầu đậu tương nhưng đi kèm với mức tăng thuế xuất khẩu của 2 mặt hàng này lên mức 33% từ mức 31% trước đó. Tổng thống Argentina Fernandez cho rằng những thay đổi này là cần thiết trước những ảnh hưởng của cuộc chiến sự đang diễn ra tại Ukraine đối với thị trường nông sản thế giới.
Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu khô đậu tương lớn như Việt Nam, mặc dù nguồn cung đã được nối lại nhưng việc áp dụng mức thuế mới lại càng khiến cho chi phí sản xuất nguyên liệu trở nên đắt đỏ hơn.
Giá nhập khẩu nông sản vẫn không hạ nhiệt
Không chỉ phụ thuộc vào giá nông sản thế giới, giá chào hàng nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam còn tăng mạnh hơn do những chi phí khác như vận chuyển, lưu kho,… Cước vận tải biển liên tục tăng trong giai đoạn vừa qua cũng khiến cho giá basis hiện vẫn đang ở mức cao.
Giá ngô nhập khẩu tại các cảng miền bắc đều đã tăng 200-300 đồng/kg so tuần trước. Tính trong nửa đầu tháng 3, nước ta đã nhập khẩu 235.198 tấn ngô và khối lượng này mới chỉ đạt 50% lượng hàng cần thiết tại các nhà máy. Giá khô đậu tương nhập khẩu giao tháng 5 đã tăng 1000 đồng/kg trong tuần này và lượng hàng mới chỉ đạt mức 30%.
Chi phí sản xuất đầu vào vẫn đang là nút thắt khó gỡ của các doanh nghiệp chăn nuôi nước ta trong 2 năm vừa qua. Với tình hình hiện tại, các nhà máy đã bắt đầu thay thế nông sản nhập khẩu bằng 1 số loại nguyên liệu khác như gạo tấm, sắn lát,…