Giám đốc điều hành IMF, bà Kristalina Georgieva. (Ảnh: REUTERS)
Hãng tin Reuters dẫn lời Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva cho biết, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay sẽ duy trì ở mức tích cực, bất chấp cuộc khủng hoảng ở Ukraine, nhưng một số quốc gia có nền kinh tế vốn đã yếu có thể rơi vào suy thoái.
Phát biểu tại 1 diễn đàn chính sách đối ngoại ngày 22/3, bà Georgieva thông tin, IMF sẽ hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu khi công bố các dự báo mới vào tháng 4.
Lần gần đây nhất, vào tháng 1 vừa qua, IMF đã đưa ra dự báo tăng trưởng toàn cầu đạt 4,4% cho năm 2022, giảm khoảng nửa điểm phần trăm so dự báo trước đó hồi tháng 10/2021, do nguồn cung liên tục bị gián đoạn.
Tuy nhiên, cú sốc từ giá năng lượng và lương thực tăng cao do xung đột và các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga được dự báo sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nhiều nước đang phát triển, cùng với điều kiện tài chính thắt chặt hơn khi các nước tiên tiến tăng lãi suất.
Giám đốc IMF cảnh báo nguy cơ suy thoái có thể xảy ra ở những quốc gia có nền kinh tế yếu, nơi phải hứng chịu tác động mạnh hơn từ các cú sốc nói trên.
Bà Georgieva nói: “Những gì chúng ta đang hướng đến là tăng trưởng đi lên và vấn đề liên quan lạm phát sẽ dịu bớt. Nhưng thay vào đó, chúng ta đang chứng kiến xu hướng hoàn toàn ngược lại, khi tăng trưởng đang đi xuống, còn lạm phát lại đang tăng lên”.
IMF có kế hoạch cập nhật các dự báo mới trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới, dự kiến sẽ được công bố trong cuộc họp với nhóm Ngân hàng Thế giới tại Washington, từ ngày 18 đến 24/4.
Đại diện IMF cũng cho biết, việc giảm nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine và Nga đồng nghĩa với gia tăng lạm phát về lương thực và nguy cơ nạn đói xảy ra cao hơn, đặc biệt là ở châu Phi.
Phó Giám đốc điều hành thứ nhất IMF, bà Gita Gopinath cho rằng, điều này có thể dẫn đến những căng thẳng xã hội mới ở châu Phi, Trung Đông và các khu vực khác ở châu Á.
Bà Gopinath cũng nhấn mạnh, IMF sẵn sàng hỗ trợ các nước về cán cân thanh toán để nhập khẩu nguồn cung cấp thực phẩm.