Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)
Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, sắc xanh bất ngờ áp đảo hoàn toàn bảng giá 31 mặt hàng đang liên thông trực tiếp với thế giới tại Sở, giúp cho chỉ số MXV-Index phục hồi mạnh 2,3% lên 2.957,6 điểm, sau 2 phiên giảm liên tiếp đầu tuần.
Giá trị giao dịch toàn Sở giảm nhẹ về quanh mức 4.000 tỷ đồng, tuy nhiên, dòng tiền chảy mạnh vào các mặt hàng kim loại giúp cho giá trị của nhóm này tăng gần gấp đôi lên xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/3, giá vàng tăng 0,72% lên 1.933 USD/ounce, giá bạc cũng đóng cửa cao hơn 1,5% và lấy lại mốc 25 USD/ounce. Bạch kim tăng mạnh nhất trong nhóm kim loại quý với mức tăng 2,5% lên 996,8 USD/ounce.
Đồng USD cùng với thị trường chứng khoán Mỹ suy yếu là 2 yếu tố chính hỗ trợ cho giá của các mặt hàng kim loại quý trong phiên hôm qua. Dòng tiền đang bị rút bớt khỏi các thị trường rủi ro để phân bổ sang các loại tài sản có tính trú ẩn cao hơn, bởi các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine chưa cho thấy bất kỳ tiến triển nào.
Ngoài ra, việc giá dầu thô và các mặt hàng nông sản tăng trở lại cũng gia tăng lo ngại của các nhà đầu tư về áp lực lạm phát và tốc độ tăng trưởng chậm hơn của nền kinh tế, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mạnh tay hơn trong các đợt tăng lãi suất tiếp theo.
Chỉ số Dollar Index giảm về 97,8 điểm, mức thấp nhất trong vòng 2 tuần, khiến cho việc nắm giữ các tài sản như vàng, bạc hay bạch kim trở nên ít đắt đỏ hơn. Bạch kim có được sức mua lớn nhất trong phiên hôm qua, bởi trước đó giá giảm mạnh hơn hẳn so với vàng và bạc, nên các nhà đầu tư đang có tâm lý “bắt đáy” khi giá của kim loại này dưới mức 1.000 USD.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng tiếp tục tăng nhẹ 0,4% lên 4,75 USD/pound, còn giá quặng sắt tăng mạnh 3,5% và lấy lại mốc 160 USD/tấn. Diễn biến giá của cả đồng và quặng sắt đều đang phản ánh kỳ vọng của các nhà đầu tư thay vì các yếu tố cơ bản về cung cầu bởi hiện nay, nhà tiêu thụ số một thế giới, Trung Quốc vẫn đang phải “gồng mình” để chống chọi với đợt bùng phát dịch Covid-19 mới nhất.
Các hoạt động sản xuất và vận chuyển hàng hóa ở nước này đều đang bị đình trệ vì các chính sách kiểm soát dịch nghiêm ngặt, nên nhu cầu tiêu thụ của các mặt hàng kim loại cơ bản đều bị ảnh hưởng.
Vì thế, sức mua xuất phát từ những kỳ vọng vào việc Chính phủ Trung Quốc sẽ sớm kiểm soát dịch thành công và hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của dịch bệnh lên nền kinh tế. Nhiều nhà phân tích cũng cho rằng, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ thực hiện các chương trình nới lỏng tiền tệ để giúp nền kinh tế đạt được mức tăng trưởng mục tiêu 5,5% mà Bắc Kinh đã đề ra cho năm nay.
Trên thị trường nội địa, giá quặng sắt đầu vào liên tục biến động mạnh nên giá thép trong nước hiện nay vẫn neo ở mức cao.