(HNMO) - Sáng 25-11, Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam (VNREA) đã tổ chức hội thảo “Một số kiến nghị và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường BĐS trong giai đoạn hiện nay”. Tại đây, các chuyên gia, doanh nghiệp đã cùng phân tích những nút thắt của thị trường cũng như kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Hội thảo được diễn ra theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và kết nối trực tuyến tại điểm cầu Đà Nẵng, thành phồ Hồ Chí Minh.
Đối mặt nhiều khó khăn
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, năm 2021, sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường BĐS cả nước. Nguồn cung BĐS mới chỉ bằng khoảng 50%; lượng giao dịch bằng khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2020. Giá giao dịch BĐS tăng mạnh và có hiện tượng sốt giá cục bộ tại một số khu vực, phân khúc như căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ. Giá đất nền tại một số điểm cục bộ của một số địa phương cũng ghi nhận mức tăng cao như vùng ven Thủ đô Hà Nội: Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (45%); một số điểm thuộc các tỉnh như Hòa Bình (46%)…
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh thừa nhận, thị trường BĐS đang gặp một số khó khăn do còn tồn tại một số chồng chéo, bất cập nhất định trong hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực BĐS. Cơ cấu sản phẩm BĐS chưa phù hợp, dư thừa BĐS cao cấp, thiếu hụt lớn nhà ở giá hợp lý cho người thu nhập thấp; giá BĐS liên tục tăng, đặc biệt là giá nhà ở tại khu vực đô thị quá cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân; hoạt động về giao dịch BĐS còn lộn xộn, chưa được kiểm soát tốt...
Chủ tịch Hiệp hội BĐS thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu chia sẻ, nguồn cung các dự án nhà ở tại thành phố Hồ Chí Minh, đã sụt giảm mạnh. Vướng mắc lớn nhất là vấn đề pháp lý, mà cụ thể là quy định dự án để xây dựng nhà ở thương mại phải có 100% đất ở thuộc quyền sử dụng hợp pháp mới được công nhận là chủ đầu tư, dẫn đến trong 5 năm qua, hàng trăm dự án nhà ở thương mại trong cả nước không thể triển khai thực hiện (Khoản 1, Điều 75 Luật Đầu tư 2020). Bởi nhiều dự án có diện tích đất hỗn hợp, đất nông nghiệp chưa hoàn thiện thủ tục chuyển đổi...
Ngoài nguyên nhân trên, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, còn có nguyên nhân nhiều doanh nghiệp mua gom đầu cơ, gọi là thu gom rất nhiều đất để phát triển dự án nhưng thực chất chỉ phát triển có lệ. Trong khi các doanh nghiệp khác cần lại thiếu đất, thiếu dự án trầm trọng. Thực trạng này gây lãng phí đất đai nghiêm trọng, làm đình trệ tài chính và khiến thị trường rơi vào rủi ro...
Kiến nghị nhiều giải pháp
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư BĐS Toàn Cầu (GP Invest), Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam chia sẻ, BĐS là ngành kinh doanh phải hoàn thành các thủ tục pháp lý phức tạp nhất so với các ngành nghề khác; cụ thể chịu sự tác động điều tiết của 12 Luật: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Xây dựng… Vì vậy, ông Hiệp cho rằng, để BĐS phát triển trở lại làm động lực phát triển cho cả nền kinh tế là phải cải tổ hệ thống luật pháp thật hoàn chỉnh.
Về các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính kiến nghị: Trong khi đợi sửa luật, cần tiếp tục rà soát mâu thuẫn, chồng chéo của pháp luật, rào cản thủ tục phê duyệt đầu tư dự án BĐS để có quyết định tháo gỡ kịp thời. Bên cạnh đó, cần thành lập cơ quan chuyên biệt có năng lực và khả năng tiếp nhận, xử lý vướng mắc thuộc thẩm quyền Chính phủ nhằm hỗ trợ cho các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thủ tục phê duyệt đầu tư các dự án; đôn đốc các địa phương đẩy mạnh tiến độ phê duyệt thủ tục đầu tư cho các dự án... Trong khi đó, để gỡ khó cho doanh nghiệp BĐS, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, ngành BĐS cũng chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, do đó, doanh nghiệp BĐS cũng cần phải nhận được sự hỗ trợ về cơ chế, thuế tương tự như các doanh nghiệp ngành nghề khác.
Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo BĐS kiến nghị một số giải pháp như: Cần xây dựng chiến lược pháp lý tổng thể để hoàn thiện thể chế pháp lý cho thị trường BĐS; các cấp chính quyền cần quan tâm, tập trung tháo gỡ các dự án vướng mắc sai phạm để khơi thông nguồn cung, tháo gỡ khó khăn làm trong sạch môi trường kinh doanh và đầu tư; hoàn thiện Cổng thông tin quốc gia về quy hoạch và thông tin pháp lý BĐS để công khai, minh bạch các trình tự thực hiện dự án, tiến độ thực hiện các thủ tục pháp lý dự án...
Các kiến nghị, góp ý tại hội thảo sẽ được Hiệp hội BĐS Việt Nam tổng hợp, có báo cáo kiến nghị gửi Bộ Xây dựng, Chính phủ, Quốc hội nhằm tháo gỡ vướng mắc, rào cản, khôi phục, phát triển ổn định thị trường BĐS, góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế đất nước.