(Ảnh minh họa)
Thống kê từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, trong tháng 5, tuy giao dịch của khối ngoại giảm so tháng trước, song nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 77,2 tỷ đồng; trong đó, giá trị mua vào đạt hơn 362 tỷ đồng, giá trị bán ra đạt hơn 284 tỷ đồng.
Trong tháng 5, giao dịch trên thị trường cổ phiếu niêm yết tại HNX giảm so với tháng trước. Chỉ số HNX Index phiên cuối tháng đạt 315,76 điểm, giảm 13,68% so cuối tháng 4. Có thể thấy, thị trường cổ phiếu niêm yết tại HNX có biến động mạnh trong 5 tháng đầu năm 2022, sau khi chỉ số HNX Index đạt đỉnh lịch sử vào ngày 7/1 với mức 493,84 điểm, thị trường sụt giảm mạnh và xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm là 300,66 vào ngày 23/5.
Thanh khoản tháng 5 cũng giảm so tháng trước. Tổng khối lượng giao dịch cổ phiếu toàn thị trường đạt 1,5 tỷ cổ phiếu, giá trị giao dịch tương ứng đạt hơn 34,4 nghìn tỷ đồng. Tính bình quân, khối lượng giao dịch đạt hơn 79 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch đạt hơn 1.723 tỷ đồng/phiên, giảm 16% về KLGD và 32% về GTGD so tháng trước.
Giá trị vốn hóa thị trường tại thời điểm cuối tháng 5 đạt 363,5 nghìn tỷ đồng, giảm 12% so cuối tháng 4. Các chỉ số ngành đều giảm điểm so cuối tháng trước, trong đó ngành tài chính có mức giảm điểm nhiều nhất, giảm 55,03 điểm (-6,52%) đạt 788,97 điểm, ngành xây dựng giảm 28,35 điểm (-6,14%) đạt 433,54 điểm, và ngành công nghiệp giảm 25,31 điểm (tương ứng -7,86%) đạt 299,74 điểm. Các chỉ số quy mô cũng đều giảm điểm, chỉ số LargeCap dành cho các doanh nghiệp có quy mô lớn giảm 57,15 điểm (-14,49%) đạt 337,24 điểm, chỉ số Mid/SmallCap dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ giảm 121,38 điểm (-11,43%) đạt 940,17 điểm tại thời điểm cuối tháng 5.
Giao dịch của nhóm cổ phiếu HNX30 trong tháng 5 giảm 4,4% so tháng trước, tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 928 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt hơn 25,28 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 58,54% khối lượng giao dịch và 73,35% giá trị giao dịch toàn thị trường.
Về diễn biến giá giao dịch, cổ phiếu tăng giá mạnh nhất là mã chứng khoán MAC của CTCP Cung ứng và Dịch vụ Kỹ thuật hàng hải, có mức tăng 58,73% (tương đương 3.700 đồng/cổ phiếu) đạt 10.000 đồng/ cổ phiếu, đứng thứ 2 là cổ phiếu VTL của CTCP Vang Thăng Long với mức tăng 45,65% (tương ứng 4.200 đồng/cổ phiếu) đạt 13.400 đồng/cổ phiếu. Tiếp sau đó là cổ phiếu CX8 của CTCP Đầu tư và Xây lắp Constrexim số 8 có mức tăng 34,15% (tương ứng 2.800 đồng/cổ phiếu) đạt 11.000 đồng/cổ phiếu; tiếp đến là cổ phiếu HEV của CTCP Sách Đại học - Dạy nghề có mức tăng 27,58% (tương ứng 9.900 đồng/cổ phiếu) đạt 45.800 đồng/cổ phiếu.
Về các cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất, trong tháng 5, cổ phiếu PVS của Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam tiếp tục dẫn đầu với thị phần chiếm 15,85% khối lượng giao dịch toàn thị trường, tương đương hơn 251 triệu cổ phiếu được giao dịch, tiếp theo là cổ phiếu SHS của CTCP Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội với thị phần 11,7% tương đương hơn 185 triệu cổ phiếu được giao dịch.
Tháng 5, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài giảm so tháng trước, song thay vì bán ròng trong tháng 4, trong tháng 5 nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 77,2 tỷ đồng; trong đó, giá trị giao dịch mua vào đạt hơn 362 tỷ đồng, giá trị bán ra đạt hơn 284 tỷ đồng.