Đồng bằng sông Hồng (Việt Nam), nơi bảo tồn các giá trị truyền thống độc đáo. (Ảnh chụp màn hình)
Đồng bằng sông Hồng của Việt Nam là địa điểm duy nhất thuộc khu vực Đông Nam Á nằm trong danh sách 52 điểm đến của năm 2022 do tờ The New York Times của Mỹ bình chọn với tên gọi “52 điểm đến cho một thế giới đã thay đổi”.
Về việc lựa chọn “Đồng bằng sông Hồng” đứng thứ 14 trong số 52 điểm đến của năm 2022, Biên tập viên du lịch Charly Wilder của The New York Times viết: “Khi du lịch dần trở lại với trạng thái bình thường mới, các du khách có xu hướng lựa chọn các đô thị sôi động và các bãi biển nổi tiếng thế giới của Việt Nam. Nhưng hãy tới khu vực phía bắc của Việt Nam để tới thăm những làng nghề truyền thống của đồng bằng sông Hồng, hòa mình vào không gian văn hóa ngàn đời của lối sống cổ truyền đang có nguy cơ dần mai một. Từ ngàn đời nay, những người dân làng dọc hai bên dòng sông Cầu ở miền bắc Việt Nam vẫn hát điệu Quan họ, một loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận từ năm 2009, với những liền anh, liền chị hòa giọng giao duyên”.
Các liền anh, liền chị trong làn điệu Quan họ Bắc Ninh. (Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
Cũng theo The New York Times, hiện có khoảng 49 làng cổ tại Bắc Ninh và Bắc Giang đang nỗ lực bảo tồn loại hình dân ca độc đáo Quan họ cùng các tập tục văn hóa truyền thống, phát triển du lịch văn hóa góp phần vấn đề di dân từ nông thông ra thành thị. Một số công ty lữ hành như Vietnamstay hay Khoa Viet Travel đang tổ chức các tour tham quan làng cổ, đền chùa từ thời Lý, làng nghề cũng như tour du lịch sông nước với mục tiêu gìn giữ các giá trị lịch sử.
52 điểm đến cho một thế giới đã thay đổi
Trong bài ảnh xuất bản ngày 10/1, The New York Times cho rằng, trong thế giới đã có nhiều biến đổi, danh sách điểm đến của năm 2022 được lựa chọn không chỉ nhằm mục đích giới thiệu điểm đến mới mà còn góp phần giải quyết các vấn đề về quá tải trong du lịch, biến đổi khí hậu và những hậu quả sau đại dịch Covid-19.
El Hierro (Tây Ban Nha): Việc sản xuất điện từ gió và nước ở một vùng đất nhỏ là cách làm tối ưu nhất.
The New York Times cho rằng, ngoài đại dịch, có một sự thay đổi sâu sắc trong hiểu biết của thế giới về biến đổi khí hậu cũng như sự tác động nhanh chóng và mức độ của biến đổi khí hậu. Cháy rừng, lũ lụt, bão nguy hiểm, mực nước và nhiệt độ tăng: tất cả nhắc nhở chúng ta rằng thế giới của chúng ta thực sự mong manh như thế nào.
Kyoto (Nhật Bản): Nguồn thu từ du lịch để bảo tồn các kiến trúc truyền thống.
Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới, ngành du lịch chịu trách nhiệm về khoảng 8 đến 11% tổng lượng khí thải nhà kính. Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ở Glasgow vào mùa thu 2021, lần đầu tiên trong lịch sử ngành du lịch đã cam kết cắt giảm một nửa lượng khí thải carbon vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Uttarakhand (Ấn Độ): Nguồn thu từ du lịch giúp cải thiện cuộc sống của phụ nữ, bảo tồn môi trường.
Tuy nhiên, như cam kết ở Glasgow của ngành du lịch đã thể hiện, du lịch cũng có thể là một phần của giải pháp, và không chỉ là giải pháp về khí hậu. Du lịch hỗ trợ các nền kinh tế đang suy kiệt ở những nơi phụ thuộc vào đồng đô la của khách du lịch và mở rộng tầm mắt của du khách đến những nền văn hóa và phong tục khác với của họ. Ý nghĩ đó chính là tinh thần sống động đằng sau danh sách của The New York Times năm nay, “52 điểm đến cho một thế giới đã thay đổi”.
Đảo Summerland (Australia): Vương quốc của giống chim cánh cụt lớn nhất thế giới cho thấy việc đặt yếu tố môi trường lên hàng đầu có thể thành công thế nào. (Ảnh: chụp màn hình)
Ngoài ra còn vấn đề về quá tải du lịch dù đã được giảm đi phần nào do các quy định hạn chế đi lại trong đại dịch, nhưng có nguy cơ tái phát khi thế giới dần mở lại các đường biên. Những đám đông khiến Venice không thể vượt qua vào mùa cao điểm, hay biến các khu vực lân cận ở Barcelona thành tiền đồn của Airbnb, giờ đã thưa dần. Nhưng liệu chúng ta có học được gì từ việc buộc phải ngừng hoạt động, hay các mô hình tương tự sẽ xuất hiện trở lại?
Vùng sản xuất rượu vang Alentejo: Các sáng kiến xanh được áp dụng trong việc giảm lượng nước sử dụng cho quy trình sản xuất rượu vang, góp phần vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Theo The New York Times, trước đây, danh sách này thường tập trung vào những thứ như khung cảnh một nhà hàng mới nổi, một bảo tàng mới thú vị hoặc việc khai trương một khu nghỉ mát tuyệt vời bên bờ biển. Thay vào đó, năm nay danh sách này nêu bật những điểm đến đang thực sự diễn ra sự thay đổi - nơi những vùng đất với hệ sinh thái hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng đang được bảo tồn, những loài bị đe dọa đang được bảo vệ, những sai lầm trong lịch sử đang được thừa nhận, những cộng đồng mong manh đang được củng cố - và những nơi mà khách du lịch có thể là một phần của sự thay đổi.
Một số địa điểm trong danh sách này vẫn chưa mở cửa cho khách du lịch và một số nằm trong các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 có thể không an toàn, ít nhất là vào lúc này. Thông điệp của The New York Times không phải là lên chuyến bay tiếp theo, mà sử dụng danh sách này làm nguồn cảm hứng cho chuyến du lịch có mục đích hơn, trọn vẹn hơn của chính bạn trong năm tới và hơn thế nữa.