Đại dịch COVID-19 đã thay đổi cấu trúc xã hội và thói quen của người dân, nhưng cũng tạo ra xu hướng mới trong du lịch. Đó là du lịch xanh, du lịch bền vững. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam trở thành điểm đến được lựa chọn hàng đầu, điểm đến trải nghiệm hấp dẫn đối với du khách quốc tế.
Phát triển du lịch xanh có thể hiểu là du lịch có trách nhiệm với tự nhiên, bảo tồn môi trường, duy trì, gìn giữ văn hóa và cuộc sống của người dân bản địa... - Ảnh: VGP/Diệp Anh
Việt Nam kiên định với những giá trị bền vững về phát triển du lịch
Từ trước đến nay, Việt Nam vẫn kiên định với những giá trị bền vững về phát triển du lịch. Du lịch Việt Nam đã tạo dựng và xác lập trong lòng du khách quốc tế với thông điệp "Việt Nam - đất nước an toàn", hình ảnh "Việt Nam điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn", một điểm đến với "vẻ đẹp bất tận".
Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng đã khẳng định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Trong chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng nêu rõ tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch. Xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với khách du lịch. Hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch sinh thái. Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong phát triển du lịch.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đưa ra định hướng: "Phát triển du lịch xanh, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường".
Với xu hướng "sống xanh" trong cuộc sống hiện đại ngày nay, ngày càng nhiều người muốn được trở về với cuộc sống ít xô bồ, náo nhiệt, khách du lịch cũng muốn tìm đến những địa điểm thân thiện với môi trường, được nghỉ dưỡng và bảo đảm sức khỏe, tinh thần. Từ những chủ trương, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, ngành du lịch Việt Nam đang tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững. Phấn đấu để có thêm nhiều hơn nữa du khách đến du lịch, trải nghiệm, kinh doanh và làm ăn lâu dài ở Việt Nam; du khách đã đến rồi sẽ quay trở lại nhiều hơn và sớm hơn.
Phát triển du lịch xanh có thể hiểu là du lịch có trách nhiệm với tự nhiên, bảo tồn môi trường, duy trì, gìn giữ văn hóa và cuộc sống của người dân bản địa, tạo việc làm, cải thiện sinh kế và mang lại hạnh phúc cho người dân. Không chỉ giảm thiểu các tác động về thể chất, xã hội, hành vi và tâm lý, du lịch xanh còn xây dựng văn hóa tôn trọng và bảo vệ môi trường, đồng thời cung cấp những trải nghiệm tích cực cho du khách.
Rất nhiều địa phương trên cả nước cũng đang tích cực triển khai thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh như: Hà Nội, Lào Cai, Sơn La, Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Thuận, Bình Định, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu, TPHCM, Cần Thơ, Bến Tre, Kiên Giang...
Phát triển du lịch xanh là trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội
Quảng Nam là một trong những tỉnh tiên phong triển khai du lịch xanh, du lịch bền vững. Tỉnh đã có những kế hoạch dài hơi cho việc xanh hóa, góp phần vào thông điệp "Quảng Nam - điểm đến du lịch xanh" và cũng là tỉnh đầu tiên tham mưu cho Chính phủ về chứng chỉ carbon. Để làm được điều đó Quảng Nam phải bảo vệ rừng để giữ được đa dạng sinh học.
Tại hội thảo "Quảng Nam phát triển du lịch xanh - giữ gìn giá trị bản địa" được tổ chức cuối tháng 3 vừa qua tại Quảng Nam, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là phương thức phát triển dựa trên cơ sở tôn trọng, bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị tài nguyên; thực hiện các hoạt động quản lý, kinh doanh và tiêu dùng du lịch xanh; tiêu thụ ít năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo; đồng thời, tạo việc làm, cải thiện sinh kế và mang lại hạnh phúc cho người dân, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị và truyền thông của Tổng công ty Lữ hành Saigontourist chia sẻ, cốt lõi của du lịch xanh là sản phẩm được tạo ra từ các thành tố thích ứng một cách hoà hợp và thân thiện với môi trường, đem đến những giải pháp an toàn với môi trường tự nhiên, môi trường sống và sức khỏe của cộng đồng cư trú, tới du khách.
Như vậy, theo bà Đoàn Thị Thanh Trà, tất cả các dịch vụ, sản phẩm du lịch, như từ tour du lịch trọn gói, cho đến các sản phẩm, dịch vụ của khách sạn, nhà hàng, dịch vụ vận chuyển... muốn được công nhận là sản phẩm du lịch xanh đều phải đạt được các nội dung cơ bản của các tiêu chí này.
Với những tiêu chí về du lịch xanh, Bình Định cũng là một trong những địa phương mong muốn tạo ra một sự khác biệt, một điểm đến mới trong bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của địa phương. Bình Định đang quyết tâm phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch với 3 trụ cột chính là biển đảo, văn hóa-lịch sử và khoa học.
Trong đó, tỉnh tập trung phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo thành sản phẩm du lịch chủ lực; du lịch văn hóa-thể thao-khoa học là tiềm năng, thế mạnh, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, lịch sử, cách mạng.
Đó là môi trường du lịch mà ở đó có sự thân thiện, an toàn giữa người dân và du khách. Khai thác du lịch nhưng không ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên, môi trường. Tổ chức lại hoạt động du lịch, thống nhất quy trình đón tiếp và phục vụ khách. Chuẩn bị mọi mặt về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực du lịch và phương án sẵn sàng bảo đảm du lịch an toàn, hiệu quả.
Kon Tum trở thành điểm đến du lịch nổi bật đặc trưng của vùng Tây Nguyên về du lịch xanh, chất lượng, bền vững với hệ thống sản phẩm du lịch đồng bộ, đặc sắc Tây Nguyên trên cơ sở khai thác phát huy hài hòa tài nguyên tự nhiên và văn hóa các dân tộc Kon Tum. Tỉnh có thể phát triển mạnh các loại hình du lịch có thế mạnh như du lịch trải nghiệm văn hóa các dân tộc, du lịch nông nghiệp cao nguyên và các loại hình nghỉ dưỡng, khám phá, sinh thái cộng đồng.
Bến Tre cũng đang đẩy mạnh phát triển du lịch xanh. Đây là tỉnh có thế mạnh du lịch về sinh thái với những vườn dừa xanh rộng lớn, nhiều làng nghề thủ công truyền thống, nhiều di tích văn hóa-lịch sử tiêu biểu...
Hiện nay, hạ tầng giao thông của tỉnh Bến Tre từng bước cải thiện, nâng cao khả năng kết nối giao thông từ đường thủy đến đường bộ, kết nối các khu, điểm du lịch trên địa bàn, nhất là kết nối các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để tạo sức mạnh cùng xây dựng sản phẩm du lịch địa phương và liên vùng bền vững.
Phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững theo đúng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia 2022 tại Quảng Nam. Đó là môi trường du lịch mà ở đó có sự thân thiện, an toàn giữa người dân và du khách; là sự cam kết của tất cả các bên liên quan, bao gồm Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Khai thác du lịch nhưng không ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên, môi trường sinh thái.
Các cấp chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân cùng chung tay, tạo dựng môi trường xanh cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch bằng những hành động thật thiết thực, xuất phát từ những hành vi nhỏ nhất, nhưng có trách nhiệm lớn nhất đối với cộng đồng và xã hội.
Huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư trong hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch cạnh tranh và có trách nhiệm. Đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức trong cộng đồng, để mỗi người dân là một "đại sứ du lịch".
Bài 2: Phát triển du lịch xanh bền vững dựa trên nền tảng văn hóa và con người Việt Nam