Đồng 10, 20 và 50 euro. (Ảnh: AFP/TTXVN).
Nếu đà tăng trưởng của Eurozone được duy trì ở mức hợp lý và ECB vẫn tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay, Goldman Sachs vẫn tin vào triển vọng theo hướng tăng cho đồng tiền chung châu Âu.
Các thị trường tiền tệ và tài sản châu Âu vẫn chưa thoát khỏi tình trạng lao dốc nghiêm trọng và biến động dữ dội trong những tuần gần đây.
Giữa bối cảnh đó, giới chiến lược gia đang thay đổi kế hoạch đầu tư của họ khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc.
Đồng euro liệu có mất giá lâu dài?
Chỉ số biến động tiền tệ của ngân hàng Deutsche Bank (Đức) đã tăng lên 10% vào sáng 8/3 ở châu Âu, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020 - giai đoạn đầu khi đại dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng trên toàn cầu.
Cũng trong phiên này, đồng euro đã tăng 0,4% so với đồng USD do nhà đầu tư bớt hoảng loạn và hạn chế chuyển hướng sang các kênh trú ẩn an toàn hơn.
Tuy nhiên, đồng tiền chung châu Âu vẫn giảm hơn 4% so với đồng bạc xanh kể từ khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang.
Trong một báo cáo công bố hồi cuối tuần trước, đồng Giám đốc chiến lược ngoại hối, tỷ giá và quản lý rủi ro toàn cầu Zach Pandl và Kamakshya Trivedi của ngân hàng Goldman Sachs cho hay đánh giá của “gã khổng lồ” Phố Wall đối với đồng euro hiện đã không còn lạc quan như trước.
Họ nhấn mạnh điều này sẽ không được cải thiện chừng nào căng thẳng Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn.
Các mô hình dự báo của Goldman Sachs cho thấy sự hạ cấp về triển vọng tăng trưởng trên toàn Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu euro (Eurozone) đã khiến cặp tiền tệ euro/USD giảm khoảng 1% vào tuần trước.
Trong khi đó, phần bù rủi ro (chỉ phần lợi nhuận bổ sung mà nhà đầu tư có thể nhận được khi chấp nhận rủi ro cao hơn) trên toàn thị trường châu Âu tăng giá trị gần 4%.
Hai quản lý cấp cao của Goldman Sachs cho biết mặc dù tỷ giá euro/USD giảm mạnh, các mô hình dự báo cho thấy đồng tiền chung châu Âu nên được giao dịch thấp hơn một chút - khoảng 1,07 - 1,08 USD đổi 1 euro - dựa trên biến động của các yếu tố thị trường khác.
Mặc dù lưu ý rằng những ước tính trên cần được xem xét một cách thận trọng, các mô hình của Goldman Sachs cho thấy đồng euro vẫn tương đối mạnh so với đồng zloty của Ba Lan, krona Thụy Điển, USD của Mỹ, forint của Hungary và bảng Anh, trong khi hơi yếu so với đồng franc Thụy Sỹ (CHF).
Theo quan điểm của các chuyên gia Goldman Sachs, euro/USD và euro/bảng Anh là những cặp giao dịch thích hợp nhất cho hoạt động phòng ngừa rủi ro liên quan đến tình hình Ukraine hiện thời.
Các chiến lược gia đồng thời lưu ý rằng cặp euro/CHF đã phản ứng rất nhạy với các diễn biến của căng thẳng Nga-Ukraine cho đến nay, do đồng CHF vốn đã là một kênh trú ẩn an toàn.
Tuy nhiên, rủi ro về việc Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ can thiệp để ngăn chặn đà tăng giá của đồng nội tệ cũng cao hơn trong giai đoạn gần đây.
Chiến sự gây ra bất ổn đối với triển vọng kinh tế vĩ mô của Eurozone. Song chuyên gia Pandl và Trivedi gợi ý rằng điều này không nhất thiết sẽ đẩy đồng euro trượt giá kéo dài. Vì Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể hành động để giảm bớt lo lắng về tác động của diễn biến trên lên lạm phát, trong khi các chính phủ có thể ứng phó với cuộc khủng hoảng bằng việc nới lỏng chính sách tài khóa.
Hơn nữa, nếu đà tăng trưởng của Eurozone được duy trì ở mức hợp lý và ECB vẫn tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay, Goldman Sachs vẫn tin vào triển vọng theo hướng tăng cho đồng tiền chung châu Âu.
Những "sóng gió" của đồng ruble và thị trường tiền tệ Đông Âu
Đồng ruble của Nga đã mất giá hơn 64% so với đồng USD tính từ đầu năm đến nay và rơi xuống mức thấp kỷ lục, phần lớn do mức độ nghiêm trọng bất ngờ của các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga cùng hệ thống tài chính nước này.
Theo công ty dịch vụ tài chính BMO Capital Markets, lý do chính cho sự lao dốc của đồng ruble hồi tuần trước là việc Ngân hàng trung ương Nga gần như bị đóng băng toàn bộ khả năng sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối, vốn phần lớn được tính bằng đồng euro và gửi tại các ngân hàng châu Âu.
Bảng thông báo tỷ giá đồng ruble Nga và đồng USD, tại Moskva, ngày 22/2/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Giám đốc bộ phận ngoại hối của BMO, ông Greg Anderson, và ông Stephen Gallo cho biết xuất phát điểm thuận lợi về vị thế đối ngoại của Nga trước căng thẳng với Ukraine, việc EU không có lệnh cấm hoàn toàn và ngay lập tức đối với hoạt động nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga và việc ngân hàng trung ương nước này tăng lãi suất chuẩn gấp đôi lên 20% đã phần nào giảm bớt quy mô biến động của cặp USD/ruble.
Tuy nhiên, các chuyên gia không thể chắc chắn rằng tỷ giá công khai của cặp USD/ruble phản ánh đúng giá trị mà các công dân và doanh nghiệp Nga phải trả nếu họ muốn thanh lý các đồng ruble của mình ngay bây giờ.
Trong khi thị trường ngoại hối toàn cầu không chính thức chấm dứt hoạt động trao đổi bằng đồng ruble, BMO cho biết các lệnh trừng phạt đã khiến đồng tiền này rất khó giao dịch mà giữ được nguyên giá trị.
Cùng với đồng ruble, đồng nội tệ của các quốc gia thuộc khối Liên Xô cũ cũng lao dốc: đồng zloty của Ba Lan, forint của Hungary và koruna của Séc đã giảm từ 8-12% kể từ trước khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang.
BMO cho hay mức giảm lớn nêu trên cho thấy đã diễn ra tình trạng rút lui khỏi các đồng tiền này. Việc tháo chạy đó có thể đến từ cả nhà đầu tư địa phương cũng như toàn cầu. Ngoài ra, tính thanh khoản của các loại tiền tệ này rất kém, khiến tình hình biến động có khả năng kéo dài.
BMO lưu ý Ba Lan là điểm đến số 1 đối với những người dân Ukraine sơ tán. Quốc gia này cũng là một phần quan trọng của mạng lưới các tuyến đường tiếp tế, gồm cả hàng hóa và vũ khí được vận chuyển vào Ukraine. Vì vậy, đồng zloty dường như đặc biệt dễ bị biến động và gián đoạn tùy thuộc vào diễn biến của tình hình tại Ukraine.