Với tỷ lệ tiền gửi ngắn hạn cao, người dân có thể thường xuyên rút tiền, có thời điểm ngân hàng gặp khó khăn thanh khoản. Chính vì vậy mà hình thức phát hành trái phiếu tạo thuận lợi cân đối thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD), dù thực tế, số huy động trái phiếu này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng huy động.
Phát hành trái phiếu góp phần cân đối thanh khoản của ngân hàng
Đây là thông tin Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trao đổi tại phiên chất vấn của Quốc hội liên quan đến tình hình phát hành và mua trái phiếu thời gian qua.
Giải quyết bài toán mất cân đối thanh khoản
Thống đốc phân tích về 2 vai trò của TCTD tham gia trên thị trường trái phiếu. Trước tiên là vai trò các TCTD là người phát hành trái phiếu, tức là người bán trái phiếu của mình cho người dân. Việc phát hành này như một hình thức huy động tiền của người dân, người dân có thể đến gửi tiền dưới dạng chứng chỉ tiền gửi, nhưng cũng có thể mua trái phiếu của TCTD phát hành, trái phiếu này kỳ hạn là trên 1 năm. Có một thuận lợi cho người dân là có thể nắm giữ trái phiếu này khi đến hạn thì nhận được tiền như đi rút tiền gửi.
Còn đối với các TCTD phát hành trái phiếu chuyển đổi thì người dân có thể thay vì nắm giữ tiền gửi có thể trở thành cổ đông nhỏ lẻ của TCTD.
Còn đối với các TCTD phát hành trái phiếu giống như huy động nhưng kỳ hạn 1 năm, trên 1 năm, tạo thuận lợi cho các TCTD trong việc cân đối nguồn vốn, bởi vì hiện nay tiền gửi của hệ thống các TCTD chủ yếu là ngắn hạn (82%).
Ngân hàng nắm giữa tiền gửi ngắn hạn, trong khi đó áp lực cho vay nhiều bao gồm cả nhu cầu vốn về trung, dài hạn. Còn người dân khi gửi ngắn hạn thì có thể thường xuyên rút tiền, dẫn đến một số thời điểm, ngân hàng gặp khó khăn thanh khoản.
Do đó, các TCTD có hình thức phát hành trái phiếu góp phần giải quyết khó khăn về cân đối về thanh khoản.
Số liệu hiện nay các TCTD huy động chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng huy động. Trong quá trình quản lý NHNN đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về điều kiện, tiêu chuẩn và các TCTD phải đồng thời thực hiện các quy định pháp luật về chứng khoán, tức là trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) theo Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ, đồng thời phải thực hiện các quy định của NHNN.
Kiểm soát chặt việc ngân hàng mua trái phiếu
Trong trường hợp các TCTD đóng vai trò người đi mua, đầu tư trái phiếu do doanh nghiệp (DN) phát hành, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, với những khoản đầu tư mua trái phiếu này thì NHNN đã ban hành những quy định khá chặt chẽ và như là một khoản TCTD cho vay để bảo đảm được khi mua trái phiếu cũng như khi cho vay thì phải thu hồi được nợ.
NHNN có các quy định chặt chẽ như: các TCTD có nợ xấu trên 3% là không được mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Những DN nào phát hành thì TCTD được mua, đó là những DN phải có đủ khả năng trả nợ, thanh toán trái phiếu mà các tổ chức dụng phải thẩm định và không được có nợ xấu trong vòng 12 tháng và TCTD phải có quy trình nội bộ để kiểm soát hoạt động này. Trên thực tế số dư nợ mua TPDN của TCTD hiện nay chiếm khoảng xấp xỉ 3% trong tổng dư nợ của các TCTD. Trong thời gian vừa qua, NHNN cũng chỉ đạo các TCTD phải rà soát kỹ và cũng nhận diện rủi ro để có các biện pháp phòng ngừa và xử lý.
Vấn đề kiểm soát ngân hàng mua TPDN, đề phòng rủi ro được lãnh đạo NHNN rất quan tâm. Trước đó, tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế do Chính phủ tổ chức, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã khẳng định: các TCTD tham gia vào thị trường vốn được kiểm soát chặt chẽ.
Ngoài các quy định rõ về yêu cầu "sức khoẻ" của các DN , ngân hàng tham gia mua bán, NHNN cũng quy định rõ: TCTD không được mua TPDN phát hành có mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của chính DN phát hành hoặc có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại DN khác, có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động... Thống đốc NHNN cũng đề nghị rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý và triển khai các giải pháp tạo điều kiện phát triển thị trường vốn (trong đó có thị trường TPDN), giảm áp lực tới nguồn vốn tín dụng từ hệ thống các TCTD, nhất là vốn trung, dài hạn.
Dưới góc độ TCTD, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank góp ý: Nên sớm xem xét hình thành thị trường giao dịch tập trung đối với TPDN phát hành riêng lẻ. Điều này sẽ làm tăng tính minh bạch của thị trường, tăng khả năng giám sát của các cơ quan quản lý, bảo vệ tốt hơn cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc đối với doanh nghiệp và trái phiếu phát hành là một trong các yếu tố then chốt giúp thị trường hoạt động minh bạch, hiệu quả. Xếp hạng tín nhiệm một mặt giúp bảo vệ các nhà đầu tư, mặt khác giúp doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, có dự án tốt, huy động được vốn với chi phí thấp
Tính đến cuối năm 2021, có 41 TCTD tham gia với tổng dư nợ TPDN của hệ thống TCTD là 274.000 tỷ đồng, chiếm 2,63% tổng dư nợ tín dụng của hệ thống, qua đó, góp phần gia tăng thanh khoản, thúc đẩy thị trường TPDN phát triển. Đánh giá về tầm quan trọng của mối quan hệ giữa thị trường vốn và hệ thống ngân hàng, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội (TPHCM) cho rằng, chúng ta tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn qua thị trường chứng khoán sẽ tăng tích tụ vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng thương mại, bởi độ sâu tài chính, trong đó vốn tín dụng trên GDP Việt Nam đã đạt đến mức 124% của GDP, cho nên chúng ta cần phải chia sẻ rủi ro trong cho vay trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng thương mại. |